“Con người dù mất đi, nhưng ký ức mãi trường tồn”
Đó là lời đề tựa trên trang mạng “Suomen Sotamuistomerkit” - Những dấu tích chiến tranh của Phần Lan (https://www.sotamuistomerkit.fi/Sotamuistomerkit), nguyên văn: “Vaikka ihminen kuolee, niin muisto elää”.
Có thể coi đây là một “bảo tàng ảo về chiến tranh” ở Phần Lan, nơi sưu tập và lưu giữ các dấu tích về 3 cuộc chiến tranh trong thời gian từ 1939 - 1945 ở 114 địa phương trên khắp cả nước, gồm: Chiến tranh Mùa đông (11/1939 - 3/1940), Chiến tranh Tiếp diễn (6/1941 - 9/1944) và Chiến tranh Đất Láp (9/1944 - 4/1945).
|
Bảng giới thiệu một hầm trú ẩn trên phòng tuyến của Đức ở Lapland. |
Đây là 3 cuộc chiến tranh mà người dân Phần Lan trải qua kể từ ngày thành lập nước cộng hòa này vào năm 1917. Còn trước đó, Phần Lan chỉ là công quốc tự trị thuộc Đế chế Nga (1809 - 1917), và từ 1809 trở về trước chỉ là một phần lãnh thổ của Vương quốc Thụy Điển. Các dấu tích có thể là một bức tượng, một ngôi mộ, một căn nhà hay đơn giản chỉ là một tấm biển với hình ảnh và những thông tin cần thiết về dấu tích và sự kiện nó biểu hiện.
Đây là công trình của Liên minh “Tammenlehvän Perinneliitto” (tạm dịch: Hiệp hội truyền thống Cành Sồi) - một tổ chức của các cựu chiến binh trong cả nước. Lời giới thiệu mở đầu “Bảo tàng ảo” này có viết: “Trang này sưu tập thông tin về các đài tưởng niệm và dấu tích của các cuộc chiến tranh mà Phần Lan đã tham gia trong thời gian từ năm 1939 - 1945. Bằng sự hiện diện của chúng, các chứng tích sẽ kể lại rộng rãi cho các thế hệ mai sau về các cá nhân, tập thể và các sự kiện trong thời gian đó”.
Quả thật, với bảo tàng ảo này, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay có kết nối internet, người xem dù ở đâu cũng có thể đến với các dấu tích chiến tranh ở trên khắp Phần Lan theo tên của cuộc chiến hoặc chữ cái mở đầu tên các địa phương.
Thử nhấn vào chữ H (chữ cái đầu của Helsinki), bạn sẽ được biết trên địa bàn thành phố này có 39 dấu tích của 3 cuộc chiến kể trên. Ở mỗi chứng tích đều có các thông tin cần thiết, như: Ngày khánh thành, mô tả về chứng tích, địa điểm, tên tác giả của chứng tích (với tác phẩm điêu khắc).
Chẳng hạn, một chứng tích khẩu pháo phòng không ở trận địa có tên Myllykalio (tại Lauttasaari) nằm phía Nam Helsinki có thông tin: Ở Myllykallio của Lauttasaari có khẩu pháo phòng không 76mm là một trong những tượng đài phòng không "Itko" của Helsinki. Dòng chữ trên tấm đồng viết: "Trong các vụ đánh bom lớn ở Helsinki vào tháng 2 năm 1944, thành phố đã hứng chịu 2.120 lần máy bay xâm nhập với khoảng 20.000 quả bom. Một trong những khẩu pháo này đã được dựng lên như một tượng đài của lực lượng phòng không Lauttasaari. Chứng tích được khai trương ngày 12/6/1980.”
Hoặc Tượng người Anh hùng ở Haaga, có viết: “Là một trong nhiều tượng đài yêu nước được dựng lên sau Chiến tranh Mùa đông và Chiến tranh Tiếp diễn vào những năm 1940. Đài tưởng niệm được khánh thành vào năm 1947. Tác giả bức tượng là nhà điêu khắc: Emil FilŽn”.
|
Ngôi mộ tập thể 319 tù nhân Xô Viết bị chết từ 1942 đến 1944 ở Pori. |
Ngoài “Bảo tàng ảo” này, ký ức chiến tranh ở Phần Lan còn được lưu giữ và trưng bày trong 9 bảo tàng chuyên về chiến tranh trên cả nước, trong đó ở Helsinki có 3 bảo tàng. So với số lượng bảo tàng ở Phần Lan, con số 9 bảo tàng chiến tranh không phải là nhiều. Song chỉ với 3 cuộc chiến, trong vòng 6 năm, con số đó không phải ít, nhất là nếu thống kê tất cả số lượng các dấu tích, biểu tượng chiến tranh trên cả nước.
Điều đáng chú ý nữa là ở Phần Lan, ký ức về chiến tranh không chỉ có những dấu tích và tượng đài dành cho người Phần Lan và nói về người Phần Lan, hoặc những đồng minh cùng sát cánh với họ trong các cuộc chiến, mà còn có cả những dấu tích và hình tượng dành tưởng nhớ cả những người vốn là phía đối địch trong cuộc chiến. Chẳng hạn, ở Pori, một thành phố phía Đông Nam Phần Lan có một bia mộ tưởng niệm 319 tù binh Xô Viết bị chết trong nhà tù Phần Lan vào năm 1942.
Mùa thu năm ngoái (2020), trong chuyến hành hương lên phía Bắc bán cầu, ngoài việc tham quan bảo tàng ở Rovaniemi để biết thêm về các cuộc chiến tranh của người Phần Lan ở vùng này, chúng tôi đã đi thăm một bảo tàng ngoài trời nằm trong vườn quốc gia Urho Kekkonen, giáp biên giới Phần Lan và Nga, cách Thủ đô Helsinki hơn 1.000km. Nơi đây hiện lưu giữ dấu tích trận tuyến phòng ngự của quân Đức trong chiến tranh Thế giới thứ hai, với các công trình quân sự, giao thông hào, các khẩu pháo của quân đội Đức.
Lúc đầu trận địa này được xây dựng một mặt nhằm bảo vệ việc khai thác nikel của quân Đức ở Petsamo (nay thuộc Nga), mặt khác đề phòng quân Xô Viết tấn công lên phía Bắc. Nhưng sau khi Đức bị thua trong cuộc chiến với Liên bang Xô Viết, buộc phải rút quân khỏi Phần Lan, phòng tuyến này đã trở thành trận tuyến kìm hãm quân đội Phần Lan. Bởi vì dưới sức ép của Liên bang Xô Viết, Phần Lan phải triệt thoái quân đội Đức khỏi lãnh thổ của mình, dẫn đến cuộc chiến Lapland giữa Phần Lan - Đức vốn là đồng minh.
|
Biểu tình chống Trung Quốc ở Helsinki năm 1979. |
“Cuộc chiến tranh Việt Nam của Trung Quốc”Khi nhìn những ụ pháo, những công sự đã bị cây cối che phủ (một số đang được phục chế lại), những đường hào đã từng tồn tại cách đây hơn 75 năm, song vẫn được giữ nguyên, kèm theo những bản chỉ dẫn chi tiết, tôi chợt nhớ về những đường hào của “Phòng tuyến Sông Cầu” mà tôi đã cùng các đồng môn khóa 23 ở khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng đào ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên, Hà Bắc cách đây 42 năm.
“Phòng tuyến” đó giờ chắc chả còn lại những dấu tích gì ở địa phương nữa, nhưng mãi mãi còn lưu giữ trong ký ức của chúng tôi và những người cùng thế hệ. Có lẽ bởi ký ức hào hùng và oanh liệt đó còn mãi, nên các bạn khóa 23 khoa Ngữ Văn chúng tôi vẫn tụ họp nhau về thăm lại xã Vân Trung nhiều lần, và lần nào cũng được chính quyền cùng bà con nhân dân xã đón tiếp nồng hậu như người thân xa lâu ngày gặp lại!
Mỗi lần đến tháng 2, những ký ức này lại ùa về trong tôi cùng với cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược. Bởi ký ức như vậy nên vào dịp này cách đây 2 năm, tôi đã tìm được ở thư viện Helsinki cuốn sách bằng tiếng Anh có tựa đề “China’s Vietnam War” (Cuộc chiến tranh Việt Nam của Trung Quốc) của tác giả Hemen Ray (Ấn Độ), xuất bản từ năm 1983.
Ở trang đầu cuốn sách, tác giả ghi lời đề tựa “Tặng nhân dân Việt Nam”. Cuốn sách nhỏ với 130 trang này đã góp phần giúp người đọc hiểu được nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc đưa quân tràn qua biên giới các tỉnh phía Bắc Việt Nam tháng 2 năm 1979.
Mới đây, tôi tình cờ tìm được một một cuốn sách bằng tiếng Phần Lan, trong đó in rất nhiều ảnh chụp người dân Phần Lan xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, đòi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam trong những năm 1965 - 1975. Đáng chú ý, trong cuốn sách này có một tấm ảnh chụp người Phần Lan biểu tình chống chiến tranh Việt Nam năm 1979 với biểu ngữ “Không được đụng đến Việt Nam”.
Mặc dù cách xa Việt Nam hơn 12.000km, nhưng sự tương đồng về điều kiện địa chính trị đã khiến người dân Phần Lan yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh và luôn ủng hộ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, cũng như giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước lúc hòa bình. Một trong những ấn tượng mà người Hà Nội rất thân thuộc trong mấy chục năm qua, đó là “đường ống nước Phần Lan” đã giúp đáp ứng nước sạch trong sinh hoạt cho người dân Thủ đô Hà Nội.