Để thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục và giáo viên nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng quy định tại khoản 9 điều 1 Thông tư 26 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 điều 19 - quy định trách nhiệm của giáo viên bộ môn).
Thứ nhất, thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ theo phân công của hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.
Thứ hai, tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.
Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26; đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ theo quy định hiện hành, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách không thiết thực, gây quá tải cho giáo viên.