Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gây xáo trộn Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm mới như tăng số môn thi bắt buộc, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới thi trên máy tính…. Với sự chuẩn bị kỹ càng, Bộ GD&ĐT khẳng định, dù có điều chỉnh cũng không gây xáo trộn kỳ thi.

Học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Nhiều ý kiến góp ý về môn Lịch sử

Một trong những điểm đáng lưu ý của phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là môn Lịch sử trở thành một trong bốn môn thi bắt buộc. Theo Bộ GD&ĐT, trước khi đưa ra quyết định này, Bộ đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), việc đưa Lịch sư trở thành môn thi bắt buộc cũng là nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết chỉ rõ: "Thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Liên quan đến nội dung trên, Bộ GD&ĐT đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau khi một mặt ủng hộ việc thi môn Lịch sử nhưng mặt khác cho rằng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề đối với môn Lịch sử.

Những ý kiến góp ý này, Bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều. Thời gian nhận góp ý dự thảo đến ngày 17/5/2023.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi

Về việc có nên trao quyền tối đa cho các Sở GD&ĐT từ việc tổ chức thi đến ra đề thi hay không, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Hiện nay, Bộ đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi. Các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh/TP chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Bộ GD&ĐT thực hiện công tác ban hành Quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Hiện có sự khác nhau giữa các tỉnh thành, từ năng lực ra đề thi đến việc tổ chức đánh giá, xây dựng đề thi bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát và tương đồng giữa các địa phương là việc cần làm thận trọng và có lộ trình.

Để đáp ứng được tính đồng bộ, Bộ vẫn chịu trách nhiệm ban hành Quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra còn các công việc khác, địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm.

Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ và cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất.

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.

Trước mỗi kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để làm cơ sở cho giáo viên và học sinh chủ động trong quá trình dạy học và ôn thi.

Xây dựng lộ trình phù hợp

Theo Bộ GD&ĐT, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính là phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp việc đẩy mạnh chuyển đổi số của quốc gia hiện nay, trong đó có ngành giáo dục. Đây là vấn đề Bộ đã bàn thảo rất nhiều, xin ý kiến các chuyên gia và được xây dựng theo lộ trình phù hợp, chắc chắn.

Các năm 2025, 2026, 2027, Kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy; song song với đó, Bộ sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện.

"Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương thì Bộ mới tính toán triển khai đồng loạt. Vì vậy, nhà trường và học sinh yên tâm học và ôn tập để tham gia các kỳ thi đạt kết quả cao nhất, mọi chủ trương đều có các bước đi chắc chắn để đảm bao không gây xáo trộn"- đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.