"Có rất nhiều điều để nói về giá trị của KGCC đối với xã hội. Đó là nơi phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau, tại đó người dân gặp gỡ, giao tiếp, hòa nhập và học hỏi về những người khác với họ" - bà Debra Efroymson, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe - Canada chia sẻ.
Không những vậy, KGCC còn là nơi để trẻ em vui chơi, nơi người dân ở mọi lứa tuổi tập luyện, nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian xã hội ngoài trời. KGCC cũng tạo cơ hội kiếm sống có giá trị cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, dường như các nhà làm quy hoạch lại thường quên rằng KGCC giá trị như thế nào. Công viên, quảng trường và vườn hoa thường bị phá đi để xây trung tâm thương mại và các khu căn hộ; vỉa hè vị lấn chiếm bởi ô tô và xa máy; chợ truyền thống bị dỡ bỏ để xây siêu thị và trung tâm mua sắm. quá trình theo đuổi sự giàu có đã làm suy kiệt thành phố và tất cả người dân.
Thực tế đáng lo ngại là ngay cả cơ quan quản lý KGCC cũng muốn tạo thu nhập từ KGCC dưới nhiều hình thức như cắt xén đất dùng riêng, cho thuê mặt bằng, thu phí vào cửa, hay thậm chí chuyển đổi chức năng. Rất nhiều KGCC bị chiếm dụng để đỗ ô tô và xe máy. Sở dĩ các cơ quan quản lý ấy làm vậy là do chưa có sự phân định rạch ròi về quyền và nghĩa vụ người dân và cơ quan quản lý nhà nước với KGCC, do trình độ quản lý và nhận thức còn thấp của cả xã hội…
Các KGCC có hàng rào bao bọc, có vé vào cửa, dù ở bất cứ mức giá thấp nào, cũng được coi là cản trở đối với người muốn sử dụng chúng hàng ngày. Việc loại bỏ các rào cản này và loại bỏ hoàn toàn phí vào cửa để KGCC thực sự mang ý nghĩa công cộng cần được chính quyền cân nhắc. Th.S Nguyễn Thị Hạnh Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) |
Nhìn nhận KGCC ở khía cạnh xã hội, TS Michael DiGregorio nhận định: Hà Nội giống như nhiều nơi khác của Việt Nam, ranh giới giữa KGCC và tư nhân rất mờ nhạt. Kết quả là đời sống xã hội, văn hóa, thậm chí đời sống làm ăn của người dân Hà Nội tràn cả ra ngoài những KGCC chính thức như vỉa hè, đường phố, công viên và tượng đài, theo nhiều cách khác nhau. Điều đáng nói là dù có luật lệ nhưng không dễ để thấy luật lệ được chấp hành cho dù hỗn độn và lộn xộn không phải là điều mà nhà quản lý đô thị mong muốn.
Khâu nào cũng bất cập
Nhìn nhận KGCC ở khía cạnh khoa học, quản lý đô thị, TS Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) phân tích, có thể thấy phần lớn các KGCC Việt Nam chưa phát triển hoàn thiện, rất thiếu so với nhu cầu sinh hoạt nghỉ ngơi giao tiếp hàng ngày. Rất ít KGCC được thiết kế và chăm sóc thường xuyên, đảm bảo yêu cầu vệ sinh và thẩm mỹ. Thực tế, việc quản lý xây dựng không nghiêm tại các đô thị, không cắm mốc bảo vệ hoặc có cắm mốc nhưng lại buông lỏng quản lý đã khiến nhiều KGCC bị lấn chiếm, để làm nơi ở, buôn bán, kinh doanh, làm giảm các chức năng công cộng. Tình trạng này có thể thấy khá rõ nét tại các KGCC ở Hà Nội như công viên Đống Đa, Công viên Thanh Nhàn, Công viên Tuổi Trẻ, hồ Ba Mẫu…
Hiện nay, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện tích đất dành cho các công viên trong thành phố, bình quân chưa đạt 1m2/người, chỉ bằng một nửa nếu so với Bangkok - Thái Lan. |
Một tình trạng đáng báo động nữa, KGCC không chỉ chịu sức ép khi hiện hữu trên thực tế, mà ngay cả trong các đồ án quy hoạch, KGCC cũng đang "lép vế". ThS. KTS Đỗ Viết Chiến, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, KGCC chưa được cấp có thẩm quyền tổ chức lập đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị quan tâm đúng mức, vì vậy tỷ lệ đất giành cho KGCC còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do KGCC không sinh lợi nhuận khi đầu tư xây dựng nên khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư, các chủ đầu tư đã tìm cách đặt các KGCC vào vị trí không thuận lợi cho việc xây dựng, xa khu dân cư, vị trí xấu hay khu đất vướng giải phóng mặt bằng, đất nghĩa trang… Việc triển khai xây dựng các KGCC gặp nhiều khó khăn, kéo dài, khiến cộng đồng dân cư bị mất đi quyền lợi được hưởng từ các KGCC này. Một bất cập khác có tác động lớn đến các KGCC hiện hữu đó là sự chồng chéo trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền trong việc quản lý.