Thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại gây bức xúc trong quy hoạch và quản lý đầu tư khai thác, sử dụng một số công viên ở Thủ đô, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đã ví hồ Thành Công trong khuôn viên Công viên Indira Gandhi giống như "ao làng" bởi cao ốc mọc xung quanh, phá vỡ quy hoạch. Tại các công viên khác, tình trạng lấn chiếm tràn lan, sử dụng sai mục đích đã khiến không gian công cộng vốn đã thiếu, lại càng thiếu, gây nhiều bức xúc cho cử tri.
Kết quả khảo sát tại các công viên: Tuổi trẻ, Thủ lệ, Đống Đa, Hòa Bình, … cho thấy một thực trạng đáng buồn của không gian công cộng. Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), điểm vui chơi yêu thích của trẻ nhỏ sau hơn 30 năm tồn tại đang bị thu hẹp và vây quanh bởi các nhà hàng, khu giải trí. Trên phố Đào Tấn, nhiều nhà hàng ẩm thực, bia hơi, sân thể thao xây dựng kiên cố quay lưng vào khuôn viên công viên. Đáng kể nhất, phải kể đến những vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), trong tổng số 29 hạng mục đầu tư xây dựng, có tới 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục như nhà hàng tuổi trẻ đường Võ Thị Sáu; nhà dịch vụ tennis; nhà khung thép đa năng; nhà kho, nhà dịch vụ tennis, sân khấu; đường đua thể thức 1 và lán... Đã qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, song đến nay, 7 công trình tái lấn chiếm vẫn ngang nhiên tồn tại và không ít khoảng trống đã bị biến thành điểm trông giữ xe. Với quy mô 20 ha, được khánh thành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công viên Hòa Bình cũng đang bị nhiều hộ dân lấn chiếm hè đường, bên ngoài để dựng lều lán kinh doanh, buôn bán, dịch vụ không đúng qui định, làm mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Lãnh đạo UBND TP nhìn nhận, việc các công viên bị lấn chiếm, xâm hại có một phần nguyên nhân do sự phối hợp giữa các ngành TP với chính quyền quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ. Đối với Công viên Tuổi trẻ, ngay từ đầu, việc chọn chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện đã ảnh hưởng đến tiến độ. Mặt khác, UBND quận Hai Bà Trưng chưa tập trung trong công tác GPMB giai đoạn 2 và cũng chưa chỉ đạo sát sao việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng nên công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng tại đây bị buông lỏng trong thời gian dài, chậm được xử lý, giải quyết. Một số dự án khác như Công viên Đống Đa, Công viên hồ Ba Mẫu vẫn đang vướng do phải GPMB.
Cùng với đó, việc thực hiện xã hội hóa ở lĩnh vực này hết sức khó khăn vì nhà đầu tư đòi hỏi bù đắp bằng các công trình dịch vụ thương mại, như tại dự án công viên Đống Đa, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch để xây dựng khu dịch vụ. Nếu thực hiện theo như đề nghị của chủ đầu tư sẽ phá vỡ quy hoạch công viên, nên TP không duyệt.
Tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, lãnh đạo UBND TP một lần nữa khẳng định, việc rà soát quy hoạch của từng dự án theo hướng không điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, làm rõ trách nhiệm quản lý của các đơn vị chủ quản và chuyển đổi mô hình quản lý. Tuy nhiên, vấn đề nhiều cử tri đặt ra là năng lực chỉ đạo, điều hành của TP và quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền để giải quyết nghịch lý không gian công cộng, nhất là không gian tại các công viên đang ngày một thu hẹp.