Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không hạn chế quyền tự ứng cử của công dân

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội, HĐND các cấp là một trong những yếu tố thể hiện sự đảm bảo dân chủ trong hoạt động bầu cử.

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử.
Quy trình ra sao với người tự ứng cử

Để trở thành đại biểu Quốc hội, HĐND, trước hết mỗi ứng cử viên, trong đó có người tự ứng cử, phải tôn trọng các tiêu chuẩn của người ĐB Quốc hội và ĐB HĐND được quy định trong các văn bản pháp luật, cụ thể là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, quy trình tự ứng cử ĐB Quốc hội được thực hiện theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử.
 Công dân Việt Nam sẽ không bị hạn chế quyền tự ứng cử. Ảnh: Chiến Công
Theo quy định, các cá nhân tự ứng cử gửi đơn xin ứng cử và hồ sơ đến Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Trên cơ sở đó, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, TP chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, TP để đưa vào danh sách hiệp thương.

Theo ông Hầu A Lềnh, cán bộ, công nhân viên chức có nguyện vọng tự ứng cử nhưng đang công tác trong bộ máy Nhà nước, theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý, thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ. Với những người không công tác trong bộ máy Nhà nước, có nguyện vọng tự ứng cử thì thực hiện căn cứ theo các quy định hướng dẫn về bầu cử, trong đó có yếu tố phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

Đó là quy định để lựa chọn được ĐB thực sự có uy tín. Bởi khi ứng cử vào ĐB Quốc hội, HĐND họ phải đại diện cho cử tri nơi cư trú hoặc lĩnh vực, ngành nghề họ đang hoạt động. Chính vì thế, ứng viên đó cần phải được cử tri nơi địa phương hoặc ngành nghề đó ủng hộ. Đó là điều kiện theo quy trình của các hội nghị.

Việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với việc thẩm định hồ sơ của các cá nhân được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. “Quy trình thẩm định như nhau khi xem xét về các tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, ý kiến phản ánh của Nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh...” – ông Hầu A Lềnh cho biết. Đồng thời thông tin, việc kê khai tài sản đối với người tự ứng cử do người tự ứng cử kê khai và người dân sẽ giám sát qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú.

Tạo mọi điều kiện cho người tự ứng cử

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không có cản trở gì với người tự ứng cử, vì ứng cử là quyền của công dân. Thủ tục hồ sơ của người tự ứng cử với người được giới thiệu là như nhau, quy trình thẩm định như nhau; các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho người tự ứng cử. Khi cử tri có ý kiến, các cơ quan Nhà nước nếu có liên quan, cũng phải nhận xét đầy đủ. Như vậy có thể nói, quyền tự ứng cử của công dân không bị hạn chế, người ứng cử đều có quyền lợi như nhau.

Theo báo cáo kết quả hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, có 5 tỉnh, TP dự kiến có người tự ứng cử ĐB Quốc hội. Theo ông Hầu A Lềnh, hiện nay quy trình vẫn đang ở bước giới thiệu của các cơ quan, đơn vị. Những người tự ứng cử mới dự kiến làm hồ sơ. 5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử là ở những địa phương đã có người đến xin hồ sơ để làm thủ tục nhưng chưa nộp. Khi người tự ứng cử nộp hồ sơ thì mới xác định được chính xác số người tự ứng cử ĐB Quốc hội là bao nhiêu.

Trong thời gian còn lại theo quy định, ĐB các địa phương khác vẫn có thể tiếp tục tự ứng cử. Do vậy, số tự ứng cử ĐB Quốc hội cũng có thể tăng thêm ở địa phương và cũng có thể ở cả T.Ư.

"Tất cả các trường hợp ứng cử hay tự ứng cử, người ngoài Đảng hay đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Như vậy, quy trình để giới thiệu phải thực sự dân chủ, công khai, các bước trong quy trình phải được tuân thủ: Dù là ĐB ngoài Đảng, ĐB tự ứng cử hay ĐB được giới thiệu cũng đều phải nhận được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú theo đúng quy trình. Đây cũng là một trong những khâu đầu tiên rà soát, phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Qua các hoạt động tiếp xúc sau các vòng hiệp thương, người dân theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng là một cơ sở để có thể đánh giá ứng cử viên. " - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực