Không hợp tác với cảnh sát giao thông khi vi phạm sẽ bị xử phạt nặng

Đức Việt
Chia sẻ Zalo

Khi vi phạm giao thông bị lập biên bản, một số người vi phạm nghĩ rằng không ký vào biên bản vi phạm thì sẽ không có căn cứ để CSGT xử phạt. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định, dù không ký vào biên bản xử phạt giao thông, người vi phạm vẫn phải nộp phạt theo quy định.

Xử lý lỗi kịch khung

Hiện nay, hình thức xử phạt vi phạm giao thông có nhiều phương án so với trước đây. Theo đó, CSGT có thể xử phạt trực tiếp hoặc thông qua các hình ảnh nghiệp vụ, camera phạt nguội để lập biên bản.

Mới đây, ngày 29/9, Tổ công tác đặc biệt Y10/141 Công an TP Hà Nội đã tiến hành lập biên bản đối với tài xế xe máy Nguyễn Bảo X. (SN 1974, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) với các lỗi không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn, không có giấy tờ, không đội mũ bảo hiểm... với tổng số tiền gần 10 triệu đồng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Trước đó, cũng trên tuyến đường này, Tổ công tác dừng xe ô tô BKS 30F - 130.9x, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ và đo nồng độ cồn nhưng tài xế xuống xe rồi bỏ đi. Tổ công tác đã gọi lực lượng công an phường hỗ trợ, gọi xe cẩu, người làm chứng rồi tiến hành niêm phong phương tiện đưa về bãi tạm giữ. Trường hợp này bị phạt kịch khung với các lỗi: Không giấy tờ, vi phạm nồng độ cồn...
 Đo nồng độ cồn đối với lái xe trên phố Láng Hạ, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Đại úy Đặng Phương Nam - Tổ công tác đặc biệt Y10/141 Công an TP Hà Nội cho biết, với các trường hợp người vi phạm bỏ đi, không ký biên bản, CSGT sẽ mời công an địa bàn, người làm chứng rồi lập biên bản với mức phạt kịch khung. Khi tài xế đến làm thủ tục nộp phạt, còn phải trả phí cẩu xe về bãi tạm giữ, phí tạm giữ phương tiện...

Có thể xử lý hình sự

Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, nhiều tài xế chây ì, bất hợp tác... khiến công tác xử lý vi phạm của CSGT gặp nhiều khó khăn. “Lực lượng chức năng sẽ phối hợp, kiên trì và quyết liệt xử lý dù người vi phạm bỏ đi. Tất cả các hành vi không chấp hành yêu cầu của người thực thi công vụ đều bị xử lý, xử phạt mức cao nhất tương ứng đối với các loại phương tiện mà người đó điều khiển" - vị này cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá, (Công ty Luật TXVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm, cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến. “Như vậy, dù người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì vẫn phải nộp phạt vì biên bản đó sẽ được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến xác nhận” - luật sư Phạm Quang Xá cho hay.

Luật sư Phạm Quang Xá cũng cho biết thêm, quy định hiện hành đã hướng dẫn CSGT xử phạt kịch khung đối với lái xe chây ì, bất hợp tác, tuy nhiên như vậy là chưa đủ. Trên thế giới, nhiều nước xử phạt hành vi chây ì, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng rất nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.

Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, không lập biên bản vi phạm giao thông trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.