Sẽ sửa Nghị định về khu nông nghiệp công nghệ cao
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết các giải pháp giúp ứng dụng công nghệ cao rộng khắp để giúp nâng cao năng suất lao động và đời sống cho bà con nông dân.
Còn đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) đề nghị Bộ trưởng đánh giá thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp để giúp cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy được xứng tầm?.
Ở phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ KH&CN sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định. Theo Bộ trưởng, nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện có nhầm lẫn giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp, dẫn đến quy hoạch các khu để kêu gọi đầu tư nhà máy, nhà lưới, tự động hóa.
Vì vậy, cần hiểu đúng bản chất về khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất về nông nghiệp. Đây không phải nơi chỉ sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra vùng nông nghiệp, chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ.
Đồng thời cần phân biệt thế nào là cao, công nghệ cao. Một số quốc gia sử dụng là nông nghiệp công nghệ, tức bất kì công nghệ nào phù hợp với năng lực sản xuất, trình độ sản xuất ở từng thời gian tạo giá trị chất lượng tối ưu để cạnh tranh trên thị trường, tạo thu nhập cho người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, không thể lấy mô hình của một số tập đoàn để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho từng hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long; tương tự như vậy trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản… Có chung thống nhất như trên để từ đó mới có thể xác định cách thức hợp tác, phương thức đầu tư, quản trị. Đồng thời, rằng cần nhìn nông nghiệp công nghệ cao ở đặc thù nước ta để tìm ra hướng đi phù hợp, làm ở mức độ vừa phải phù hợp với tình hình.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đến nay có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ NN&PTNT sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
Lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ: Doanh nghiệp không mặn mà
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn Thành phố Hà Nội), nêu rõ, có kiến cho rằng, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn lực dành cho khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ, cơ cấu chi của Quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về nội dung này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao?.
Cùng tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân Quỹ này rất chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ Quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngoài Quỹ của nhà nước, Quỹ của doanh nghiệp lập ra cho phát triển khoa học công nghệ có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, theo quy định, doanh nghiệp trích kinh phí cho Quỹ này. Giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp cả nước, giải ngân chỉ đạt 60%. Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành thông tư nhưng đến nay chưa thút hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh, có như vậy, việc miễn giảm thuế mới thu hút được các doanh nghiệp.