Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lỡ nhịp chuyển đổi số

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… là những vấn đề đang được quan tâm hiện nay và cũng không còn quá xa lại với mỗi người dân. Với TP Hà Nội, nhiều chương trình, kế hoạch đã được ban hành và thực thi, tạo ra những kết quả bước đầu.

Cán bộ UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người cao tuổi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng.
Cán bộ UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người cao tuổi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng.

Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy “về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được đưa ra. Đây là cơ sở để tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan, chính quyền, hướng tới phục vụ tốt nhất cho DN, người dân và xã hội.

Có thể nói, Hà Nội là một trong những địa phương có bước tiến nhanh trong chuyển đổi số. Kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ, như con số thống kê, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc. Trong các vấn đề xã hội, Hà Nội cũng áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Đặc biệt, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai rộng khắp ở toàn bộ các đơn vị. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP kết nối với hệ thống dịch vụ công quốc gia trong nhiều lĩnh vực để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số từng bước hình thành khi công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong điều hành công việc. Mục tiêu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, thực hiện được trên nhiều nền tảng là khả thi.

TP cũng đã triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực: Y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp… phục vụ nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. Để phục vụ chuyển đổi số thành công, TP cũng đang sớm hoàn thành việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 Chính phủ.

Để có những lộ trình, bước đi phù hợp, trước đó, UBND TP đã ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 và trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” vào năm 2030... Nhiều mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực đã được đưa ra, kèm theo trách nhiệm của các cấp, ngành.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, chuyển đổi số vẫn chậm so với nhu cầu của xã hội, tại một số đơn vị, nhiều công việc có thể ứng dụng công nghệ thông tin nhưng vẫn làm thủ công, ách tắc còn xảy ra. Như nhiều ý kiến nhận định, để chuyển đổi số thành công, trước hết phải chuyển đổi về tư duy, nhận thức.

Do đó, việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết “về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết. Từ đó giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Bởi đây không phải là công việc của riêng ngành nào, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Như Nghị quyết đã chỉ ra, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của TP chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành. Có thể nói rằng, khi mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, công chức, đến từng người dân, DN... thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cộng với việc TP ưu tiên nguồn lực để đầu tư, sẽ đạt được mục tiêu và không bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi.