70 năm giải phóng Thủ đô

Không lùi bước trước “xe thổ phỉ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tìm hiểu các biện pháp lâu dài, hiệu quả nhằm giải quyết triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các lực lượng chức năng Hà Nội.

Bài 1:  Sống chung với “xe thổ phỉ”

Xe quá khổ, quá tải khu vực giáp ranh: Bên thả gà, bên đuổi bắt
Xe quá tải ra vào mỏ Cư Yên (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) mà không hề gặp bất cứ sự kiểm soát nào.	 Ảnh: Ngọc Hải
Xe quá tải ra vào mỏ Cư Yên (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) mà không hề gặp bất cứ sự kiểm soát nào. Ảnh: Ngọc Hải
Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Chương Mỹ Cao Đình Kim Anh:

Gác chắn đường tắt, kiểm soát kho bãi

Thanh tra GTVT huyện Chương Mỹ đã lên kế hoạch, đề xuất UBND huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn dựng barie hạn chế chiều cao trên tất cả các tuyến đường ngang, đường tắt nối với tỉnh lộ, quốc lộ. Nếu thực hiện tốt kế hoạch này, các xe quá khổ, quá tải sẽ không còn lối nào tránh né trạm cân, chốt kiểm soát, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ hiệu quả gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, các mỏ đá, bến cảng, kho bãi giao nhận hàng hóa cũng cần được kiểm soát gắt gao hoạt động bốc dỡ trước khi xe lăn bánh lên đường và khi đến đích. Với xe quá tải xử phạt một, với mỏ, kho bãi cố tình bốc dỡ hàng quá tải phải phạt ba, tái phạm nhiều lần thì thu hồi giấy phép mới khiến DN khai thác mỏ, kinh doanh vật liệu “chùn tay”. So với hàng trăm kilômét đường chằng chịt, kiểm soát khu vực hẹp quanh kho bãi dễ dàng hơn nhiều và sẽ cho hiệu quả tối đa.

Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt:

Siết chặt khâu đăng kiểm

Nhiều xe khi đi đăng kiểm thì kích cỡ đúng chuẩn, đăng kiểm xong lại cơi nới thành thùng bằng cách hàn ghép hoặc lắp bản lề để chở quá tải. Cơ quan kiểm định kỹ thuật cần phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT có biện pháp triệt để với nhóm vi phạm này. Khi phát hiện vi phạm, CSGT, Thanh tra GTVT gửi thông tin về trạm nơi xe vừa kiểm định kỹ thuật, trạm phải có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền rút chứng nhận kiểm định, đình chỉ lưu hành với xe có thời hạn hoặc nặng hơn là vô thời hạn để làm gương cho các trường hợp khác. Kể cả khi xe không có dấu hiệu quá tải nhưng có biểu hiện thay đổi kích cỡ thành thùng, đơn vị tuần tra, kiểm soát cũng cần kiểm tra và đưa về xử lý cắt bỏ phần cơi nới, cấm lưu hành hoặc giữ xe. Lợi nhuận quá lớn nên chủ các xe quá khổ, quá tải không e dè gì trong việc mỗi lần đi đăng kiểm lại tốn chi phí khôi phục nguyên bản xe, nên áp dụng biện pháp cấm lưu hành vĩnh viễn sẽ có hiệu quả hơn.

Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng:

Phối hợp chặt giữa các địa phương

Hiện nay, công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe tại khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình chưa được thường xuyên, liên tục nên chưa cho hiệu quả triệt để. Phòng CSGT sẽ đề xuất với lãnh đạo Công an TP, UBND TP đưa vấn đề này ra, đề nghị tỉnh Hòa Bình quan tâm, sát sao hơn nữa. Dự kiến, trong năm 2016, giữa 2 tỉnh, TP sẽ xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe kín kẽ từ mỏ, ra đường, đến kho bãi; không những kiểm soát chặt mà còn cần duy trì thường xuyên, liên tục công tác để ngăn chặn tái vi phạm.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các đơn vị của Hà Nội cũng sẽ phải tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng loạt tấn công xe quá khổ, quá tải trên mọi tuyến đường, quyết tâm hạn chế, tiến tới xóa sổ hẳn loại vi phạm này để giữ gìn trật tự, ATGT, hạ tầng giao thông của TP.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải:

Tăng cường lực lượng an ninh trong xử lý

Hiện, tình trạng “báo chốt dò đường”, tụ tập chống đối đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của Thanh tra GTVT cũng như CSGT. Cần tăng cường giáo dục người dân các địa phương có hiện tượng xe quá khổ, quá tải không vì tiền mà tiết lộ thông tin, vị trí chốt chặn của lực lượng chức năng, nếu cố tình cần bị xử lý nghiêm khắc. Các trường hợp tụ tập chống đối, chây ì, gây khó dễ cho lực lượng phải bị bắt giữ, đưa ra xét xử nếu manh động, nghiêm trọng. Mỗi khi CSGT, Thanh tra GTVT lập trạm cân, chốt kiểm soát nên có lực lượng an ninh, cảnh sát trật tự, hình sự đi kèm hoặc thường trực hỗ trợ để ứng phó với tình huống xấu nhất. Loại hình xe tải thường quy tụ nhiều thành phần phức tạp, khó quản lý, các DN ngay từ khâu lựa chọn nhân lực lao động cũng cần rà soát kỹ, có biện pháp giáo dục pháp luật thường xuyên cho lái xe, tránh tình trạng khi xảy ra chống đối, bị xử lý lại kêu ca là “lỗi tại cá nhân”.