Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên cứng nhắc việc tuyển sinh lớp 6

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ đạo của ngành giáo dục Hà Nội, các trường tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào ngoài phương thức xét tuyển.

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, không nên quy định cứng nhắc mà cần thực hiện mềm dẻo đối với trường đặc thù.

Xét tuyển thế nào?

Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn TP thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015 - 2016.

Đặc biệt, việc tuyển sinh vào lớp 6 phải thực hiện theo phương thức xét tuyển, cấm cả hình thức kiểm tra năng lực qua IQ, EQ. “Lệnh cấm” phát ra, đồng nghĩa với việc một số trường có lượng hồ sơ đăng ký lên đến hàng ngàn, thậm chí vài ngàn mỗi kỳ tuyển sinh đầu năm học mới như Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu… phải loại bỏ cả phương án khảo sát năng lực IQ, EQ – phương án vốn được coi là cách đánh giá tiên tiến, được nhiều quốc gia áp dụng đã được đưa ra sau rất nhiều cuộc họp bàn.
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trong giờ học Toán. 	Ảnh: Chiến Công
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trong giờ học Toán. Ảnh: Chiến Công
Trước thông tin này, phụ huynh vốn đã đầy băn khoăn trước việc cấm thi tuyển sinh vào lớp 6, lại càng thêm “rối ruột”. Chị Nguyễn Thị Chín, có con học lớp 5 trường Tiểu học Kim Liên băn khoăn, nếu dựa vào điểm học bạ của 5 năm Tiểu học, thì điểm và lực học của học sinh (HS) cũng ngang nhau, với vài ngàn HS, trường xét tuyển kiểu gì: “Con tôi cả 4 năm học đều đạt HS giỏi, năm nay cuối cấp, với lực học tốt, cuối năm chắc cũng được đánh giá tốt. Mọi năm, những trường như Hà Nội - Amsterdam đều yêu cầu HS phải đạt HS giỏi 5 năm, đạt 9, 10 các môn Văn, Toán mới đủ điều kiện dự thi. Số HS đạt điều kiện này đã lên tới vài ngàn, nếu năm nay xét tuyển học bạ như vậy thì chắc chắn lượng hồ sơ còn tăng gấp nhiều lần. Tôi không biết nhà trường sẽ xét tuyển bằng cách nào? Liệu có chắc không xảy ra tiêu cực khi mà học bạ của HS đồng đều nhau?”.

Cũng bối rối không kém các phụ huynh HS, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie cho rằng, nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ sẽ rất khó khăn cho các trường vì tần suất điểm 9, 10 rất lớn. Đây vốn chỉ được coi là điều kiện cần để chọn HS vào vòng thi tuyển của trường trong các kỳ tuyển sinh trước, vì lâu nay, tỷ lệ HS khá, giỏi nhiều lớp ở Hà Nội gần như đạt 100%.

Giáo viên – lực lượng cốt lõi

Để có cơ hội trúng tuyển vào lớp 6 các trường được gọi là “điểm”, trường chất lượng cao, ngoài học bạ “đẹp”, thì HS có giải Nhất, Nhì, Ba từ cấp quận đến TP, quốc gia sẽ có cơ hội được tuyển thẳng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc tuyển thẳng HS đoạt giải cũng sẽ trở thành một trong những lý do khiến HS dù muốn hay không cũng phải lao vào ôn luyện, đầu tư cho các kỳ thi tương tự.

Bên cạnh đó, vấn đề tiêu cực tại các cuộc thi cũng có khả năng gia tăng. Trước câu hỏi này, ông Khang chia sẻ: Đặt địa vị là một hiệu trưởng, liệu có ai chê một HS đoạt giải Nhất môn tiếng Anh hay Toán không? Còn việc có nảy sinh tiêu cực hay khả năng nở rộ các cuộc thi gây áp lực cho HS thì trách nhiệm này trước tiên phải thuộc về Bộ, Sở, những đơn vị quản lý, tham gia tổ chức các cuộc thi này.

Xung quanh vấn đề xét tuyển vào lớp 6, một giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, để không còn phải lo lắng thi vào trường này, “chạy” trường kia, vấn đề cốt lõi nằm ở chất lượng giáo viên. “Ở mỗi nhà trường, không chỉ riêng cấp THCS, mà ở các cấp học, ngoài đội ngũ quản lý giỏi, cơ sở vật chất… thì vấn đề cốt yếu nằm ở giáo viên. Khi tuyển giáo viên, phải chọn lựa được giáo viên giỏi, nhiệt huyết. Các trường làm được như vậy, tôi tin rằng sẽ không còn hiện tượng mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh phải lo cho con học trường này, trường kia”.

Ngoài những ý kiến trên, khá nhiều người cho rằng, không nên quy định một cách cứng nhắc. Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An nhấn mạnh, việc không cho các trường được tổ chức khảo sát IQ, EQ để chọn HS vào lớp 6 là cứng nhắc.

Bởi thực tế cấp tiểu học hiện nay đã bỏ chấm điểm nên hầu hết các em đều được công nhận đạt đủ tiêu chuẩn, không có mấy HS không đạt. Nếu những trường có nhiều hồ sơ xin vào học không tổ chức khảo sát, họ sẽ bị “bó tay”, không biết tuyển ai, loại ai. “Quy định cấm thi tuyển, cấm tổ chức khảo sát để chọn HS vào lớp 6 là quá cứng nhắc. TP nên có quy định một cách mềm dẻo theo hướng đối với những trường đặc thù, có nhiều HS đăng ký vào học như trường Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie… thì nên cho phép tiến hành trắc nghiệm để lựa chọn HS. Còn đối với những trường có số lượng HS đăng ký ít thì không nên thi tuyển. Để tình trạng như hiện nay sẽ tiếp tục gây nhiều hoang mang cho phụ huynh, HS và không giải quyết được vấn đề mà thực tế đang đặt ra. Sở GD&ĐT Hà Nội nên ngồi lại với các trường để thảo luận nhằm tìm ra biện pháp tối ưu cho việc này. Nếu vướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì có thể kiến nghị Bộ cho phép TP được thực hiện một cách mềm dẻo, có tính đặc thù” – bà An đưa ra kiến nghị.

Đồng tình việc không thi tuyển để hạn chế tiêu cực, hạn chế dạy thêm học thêm, song đa số ý kiến cho rằng, dù thực hiện theo cách nào cũng phải tính đến thực tế, đặc thù của từng trường, vùng, miền, không nên thực hiện một cách vội vàng, cứng nhắc.