Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên dùng “bẫy” học phí để chặn cánh cửa vào đại học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường học được mở ra không phải nhằm mục tiêu thu học phí mà để phát triển tri thức cho mọi người. Xung quanh ý kiến của ĐB Quốc hội Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học ĐH trở thành “học đại”. Nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này.

Nhà nước không tăng học phí là đúng
Tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội, ngày 25/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mức học phí ĐH hiện nay thấp, ngân sách đảm bảo mức không cao, trong khi lại có quy định mức trần học phí đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của cơ sở giáo dục. Do vậy, cần có chính sách thật tốt để con em nhà nghèo học giỏi có thể tiếp cận được học bổng, đảm bảo quyền học ĐH. Bên cạnh đó, phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học ĐH trở thành “học đại”.
Kiến nghị này của GS Lê Quân đã tạo ra những luồng tranh luận gay gắt, đa chiều trong xã hội. Một số ý kiến từ trường ĐH đồng tình bởi hiện nay mức học phí trường công lập của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực và thực hiện theo mức trần của Nghị định 86/2015/NĐ-CP nên các trường không giữ được người tài, không có tiền mua sắm trang thiết bị, chất lượng đào tạo không đảm bảo.
 Thí sinh đang tìm hiểu thông tin về các ngành đào tạo đại học năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Về kiến nghị của ông Lê Quân, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ở đây có hai câu chuyện khác nhau. Học ĐH thành “học đại” là do chúng ta không giáo dục sự phát triển của con người, học sinh không có động lực, nhận thức đúng về việc học, mục tiêu học để phát triển bản thân, sau này phụng sự cho xã hội, chứ không phải học để lấy bằng cấp. Đầu ra của ĐH cần được làm rõ hơn; quản lý nhà nước về đầu ra phải đúng chuẩn; trường nào cũng phải có chuẩn đầu ra của từng nghề. “Hiện nay nhà nước không kiểm soát đầu ra của các trường ĐH. Các trường cứ tuyển đủ chỉ tiêu; sinh viên đóng đủ tiền học phí, học hết mấy năm là cấp bằng, thậm chí còn cho bằng khá, giỏi dù thực chất chưa đạt” – TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc người dân đóng góp học phí là góp phần bù đắp thiếu hụt của nhà nước chưa đảm đương được. Đất nước Cuba khó khăn như thế nhưng họ không thu tiền học phí của sinh viên. Trước mắt, Nhà nước không tăng học phí là đúng, không được dùng bẫy học phí để gạt học trò” – TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị.
Nhiều phụ huynh không đồng tình với đề nghị học phí là rào cản để tránh việc học sinh học ĐH thành “học đại” của ông Lê Quân. Vì muốn tránh tình trạng sinh viên vào ĐH để “học đại” thì phải dùng các biện pháp đánh giá năng lực để sàng lọc, chứ không phải tăng học phí làm rào cản. Vì làm thế, vô hình chung đã cổ suý học sinh quay sang dùng tiền để vào ĐH, thay vì phấn đấu học giỏi. Các trường ĐH chỉ nên thắt chặt đầu ra” Chị Nguyễn Mai Hoa ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội) bức xúc nói.
Học đại học – cơ hội của tất cả mọi người
Nhiều chuyên gia giáo dục khác không đồng tình với việc dùng học phí là rào cản học sinh vào học ĐH, bởi cho dù quy mô ĐH của nước ta nhiều lên nhưng chưa thể bằng mức trung bình thế giới. “Để giải bài toán số người đi học nghề chiếm tỷ lệ quá ít thì phải phân luồng học sinh sau THCS. Chứ không phải bắt các em học xong THPT lộn lại đi học trung học nghề” – TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT bức xúc nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam Lê Viết Khuyến cũng khẳng định tăng học phí chính là rào cản đối với học sinh con nhà nghèo. “Ông Quân có nói, học sinh nghèo học giỏi sẽ có học bổng. Nhưng chỉ một ít con nhà nghèo học giỏi mới được học bổng. Vì không có điều kiện học, nên học sinh ghèo có học lực khá, trung bình là quý lắm rồi. Các nước tư bản họ không chặn cơ hội học ĐH của học sinh nghèo” – ông Lê Viết Khuyến cho biết.
 Học đại học là cơ hội dành cho tất cả mọi người. Ảnh: Thủy Trúc.
Trong khi đó Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho biết ông không đồng tình với kiến nghị học phí ĐH là rào rản để không “học đại”. Hiện nay người ta đã cảnh báo: Những trường ĐH trên thế giới đang có xu hướng tăng học phí sẽ dẫn đến khủng hoảng. Bởi internet đã thâm nhập vào trường ĐH làm cho chi phí giảm đi rất nhiều, như thế mâu thuẫn với tăng học phí.
Hơn nữa, nếu nhà trường không chuyển đổi số, cứ chạy theo cách dạy truyền thống và đòi tăng học phí sẽ có mấy điều xảy ra: Những người am hiểu công nghệ thông tin, dùng được thiết bị di động sẽ học các chương trình trực tuyến mức phí rất thấp, thậm chí miễn phí. Hơn nữa, việc tăng học phí chưa chắc đã nâng được chất lượng đào tạo.
Hiện nay, xu hướng chung của các trường ĐH trên thế giới có số sinh viên đi học đúng độ tuổi ít đi, trong khi số người cao tuổi học ĐH đông hơn. Ví dụ, ở Anh, Canada có 90% người nhiều tuổi đi học ĐH, Mỹ 85%... Vậy thì việc bịt học sinh đi học ĐH là vô lối.
Việc người nhiều tuổi đi học ĐH cũng mở ra cho các trường ĐH thị trường lớn trong việc tuyển sinh đào tạo trực tuyến cho hàng triệu người sẽ thu được nhiều tiền hơn so với đào tạo vài trăm chỉ tiêu theo cách truyền thống. Đây cũng cơ hội để các trường ĐH tận dụng để có thêm nguồn thu. Nhất là khi, hiện nay, các nước có những chương trình đào tạo online rất hay như khởi nghiệp, kiến tạo...
GS Phạm Tất Dong cũng nêu rõ quan điểm, nhà trường mở ra không phải nhằm mục tiêu thu học phí; mà là trang bị tri thức cho mọi người. Hơn nữa, giáo dục là để  phục vụ quần chúng. Quần chúng không có điều kiện học thì chúng ta phải giúp họ được học. Cả thế giới đều mong muốn học tập suốt đời. Muốn học suốt đời thì phải học ĐH chứ không phải trình độ phổ thông.
“Từ năm 2006, Đảng và Nhà nước ta đã nói đến một nền giáo dục mở là nền giáo dục không rào cản. Cho nên mọi người sẽ được tiếp cận học ĐH với những chương trình và phương pháp khác nhau, đó mới là cách để nâng chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đất nước” – GS Phạm Tất Dong nói.