Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên quá tin vào quảng cáo dụng cụ test nhanh độc chất trong thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng "nóng", nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần.

Vì thế, khi nghe rao bán dụng cụ test nhanh độc chất trong thực phẩm, nhiều chị em sẵn sàng chi tiền triệu, bất chấp sản phẩm có đúng như quảng cáo hay không.

Đa dạng sản phẩm

Anh Đức Long – chủ cửa hàng bán thiết bị y tế và dụng cụ đo thực phẩm trên đường Phương Mai, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, dụng cụ đo thực phẩm khá đa dạng với máy đo nitrat nhập khẩu loại treo tường giá từ 9 - 16 triệu đồng. Nếu loại vừa tiền dùng cho gia đình thì mua kít test thử chỉ có 25.000 đồng. Phổ biến nhất là 15 bộ kit do Viện Kỹ thuật Hóa Sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Tổng Cục Kỹ thuật - Bộ Công an) nghiên cứu, sản xuất. Mỗi loại kit chỉ có thể nhận biết được một loại chất như hàn the, formol, nitrat, nitrit.
Dụng cụ test nhanh độc chất trong thực phẩm được chào bán trên mạng.
Dụng cụ test nhanh độc chất trong thực phẩm được chào bán trên mạng.
Theo như quảng cáo, kit có độ nhạy cao, chỉ cần 50mg hàn the trong 1kg thực phẩm là bị phát hiện ngay và cách sử dụng cũng rất đơn giản. Chỉ cần dùng giấy chỉ thị ấn lên bề mặt mẫu thực phẩm cần thử (ướt) để dịch thực phẩm thấm vào giấy, sau đó nhỏ vài giọt trong lọ dung dịch lên phần giấy thấm ướt đó, đợi vài phút, nếu giấy chuyển sang màu đỏ tức là thực phẩm có hàn the. Với những sản phẩm khô, lấy mẫu cần thử cho vào lọ nhỏ, rồi nhỏ vài giọt dung dịch, đợi vài phút rồi cho giấy chỉ thị vào, giấy chuyển sang màu đỏ tức là có chứa hàn the.

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, giá của sản phẩm kít được chào bán khá cao. Giá của các kit kiểm tra 3 chất (formol, thuốc trừ sâu và hàn the) từ 300.000 đến trên 600.000 đồng cho khoảng 10 lần thử. Chị Ngọc Ánh, người mua hàng chia sẻ, thấy quảng cáo nhiều, chẳng biết chất lượng ra sao, nhưng giờ thực phẩm nhiễm hóa chất nhiều quá, tôi mua bộ kit về dùng thử xem thế nào nhưng giá đắt quá.

Chỉ kiểm tra được độ pH

Chỉ cần gõ trên mạng dòng thông tin "dụng cụ test nhanh thực phẩm", trong 0,52 giây đã có gần 2,4 triệu kết quả. Gọi vào đường dây nóng công ty Đ. N (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), nhân viên cho biết chỉ tính riêng dụng cụ kiểm tra nhanh ATTP đã có hàng chục loại, khách hàng muốn chọn hàng trong nước hay hàng nhập từ Thái Lan, EU, Mỹ, Nhật... đều có đủ.
Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua thực phẩm có thương hiệu, nhãn mác, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là không ham hàng giá rẻ, hàng trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, nếu người tiêu dùng có mua các sản phẩm test thực phẩm cũng nên chọn mua của các hãng có uy tín và được cấp phép.
Tiến sĩ Hoàng Minh Nam - ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh

Tìm đến địa chỉ công ty nằm sâu hút trong con hẻm trên đường 18, phường Bình Hưng Hòa, chúng tôi được giới thiệu hộp giấy quỳ xuất xứ ở Anh được cho là có tác dụng phát hiện độc chất trong trái cây, củ quả. Nhưng khi xoay trở hộp giấy quỳ "thần kỳ" có giá 120.000 đồng này, chúng tôi chẳng thể tìm thấy nhãn mác, xuất xứ nào ngoài vài dòng thông tin bằng tiếng Anh.

Thời gian qua, máy đo thực phẩm là sản phẩm được các bà nội trợ tìm mua nhiều nhất. Vào facebook Máy kiểm tra an toàn thực phẩm Soeks, giới thiệu máy đo thực phẩm dư lượng Nitrat Soeks NUC 019 - 1 được giới thiệu là hàng của Nga, rao bán với giá 4,5 - 5 triệu đồng, có thể kiểm tra được 100 loại thực phẩm để phát hiện dư lượng phân bón, đạm, hóa chất bảo quản (nitrate), thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất tạo nạc. Cách sử dụng hết sức đơn giản: Chỉ cần cắm bộ phận đo của máy vào thực phẩm, chỉ trong vòng 20 giây sẽ cho kết quả chính xác.

Tiến sĩ Hoàng Minh Nam - Khoa Công nghệ hóa học, trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hầu hết sản phẩm thiết bị test nhanh thực phẩm đang được bán trên thị trường đã “đánh” trúng vào tâm lý của người dân lo ngại trước tình trạng mất ATTP. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên lạm dụng hay tin tưởng quá nhiều vào các sản phẩm, thiết bị này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác và ngăn chặn được các mối nguy hại trong thực phẩm. Đơn cử, loại giấy quỳ được quảng cáo có tác dụng phát hiện độc tố trong thực phẩm thực ra chỉ có thể đo được độ pH - là một chỉ số xác định tính chất hoá học của nước. Thực tế, giấy quỳ có thể xác định được độ pH thực phẩm nhưng chất gì làm cho độ pH thay đổi thì không thể biết được.

Theo một số chuyên gia, các sản phẩm test nhanh thực phẩm cho phép sai số rất cao nên rất khó để khẳng định thực phẩm có nguy hiểm, ô nhiễm hay không khi dùng các sản phẩm này. Muốn kiểm tra định lượng xem mức độ nguy hại như thế nào thì phải đến các phòng thí nghiệm.