Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được triển khai tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực trong đó giảm phiền hà cho người dân, DN, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Nhiều chuyên gia, DN tin tưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm dù khó khăn, thách thức còn nhiều.

Tín hiệu tích cực

7 tháng năm 2024, cả nước có 95.217 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký của DN thành lập trong 7 tháng đạt 854.646 tỷ đồng, tăng 2,4% so với 7 tháng đầu năm 2023. Số DN quay trở lại thị trường cũng tiếp tục tăng 4,7%, với 44.273 DN. Số DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng 2024 tăng ở 12/17 lĩnh vực.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như vậy đến nay, liên tiếp trong 3 tháng 5,6 và 7, số DN đăng ký gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường phục hồi trở lại. Tháng 7 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay có số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường, mang đến gam màu sáng cho “bức tranh” về tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Minh Thảo nhìn nhận: “Đây là thông tin tích cực, bởi 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường thấp hơn số DN rút lui khỏi thị trường”.

Theo bà Thảo, kết quả phát triển DN cũng phù hợp với thực tế sản xuất công nghiệp trong những tháng gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng ở hàng loạt địa phương có quy mô công nghiệp lớn như Bắc Giang (tăng tới 27,04%), Vĩnh Phúc (11,39%) Bắc Ninh (10,44%), Thái Nguyên (7,15%), Bình Dương (5,74%). Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trở lại nhờ dấu hiệu phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp điện Quang Huy Đinh Hoàng Long cho biết, hoạt động kinh doanh của DN đã có tín hiệu tích cực hơn. Trong lĩnh vực dệt may, nhiều DN cho biết, đơn hàng đang rất khả quan. Theo Công ty CP Dệt may Thành Công, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Trong thu hút FDI, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng qua đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.  Vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 7 tháng của 5 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục triển khai mở rộng nhà máy để kịp đón thêm nhiều đơn hàng sản xuất.

Là DN sữa đã có mặt tại thị trường Việt Nam 18 năm, Giám đốc điều hành khối Yakult toàn cầu Junichi Shimada cho biết: "Tôi tin rằng hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Hiện tại, Việt Nam đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ tập đoàn của chúng tôi trên toàn thế giới”.

Ông Takeo Nakajama - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội chia sẻ: "Theo khảo sát của chúng tôi, 70% DN đang hoạt động tại Việt Nam cho biết đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của mình với những mô hình, hoạt động kinh doanh mới".

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cộng đồng DN FDI đánh giá cao, cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn, động lực lan tỏa đang được triển khai đầu tư hoàn thiện là điều kiện để đón sóng đầu tư FDI thời gian tới. Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, xử lý ngay vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp

Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong những tháng đầu năm được triển khai tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, DN, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đây là nội dung của Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 6/8/2024 kết luận của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp thứ 8 ngày 15/7/2024.

Thông báo có 8 kết quả nổi bật sau: Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện được triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, sửa đổi kịp thời những điểm nghẽn và có nhiều đổi mới; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh; Cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt; Cải cách chế độ công vụ có nhiều chuyển biến, nhất là cải cách tiền lương; Cải cách tài chính công được triển khai tích cực; Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất; Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác CCHC như: NHNN Việt Nam, Bộ GTVT, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Báo cáo của Bộ KH&ĐT trong 7 tháng, cộng đồng DN đã được miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. NHNN đang nghiên cứu, sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo hướng nâng mức giảm lãi suất với người mua nhà.

Tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). CCHC, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, DN.

Dù tình hình hoạt động của DN có nhiều dấu hiệu tích cực, song Bộ KH&ĐT đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong nửa đầu năm nay, cả nước vẫn còn 8/17 ngành kinh tế có số lượng DN đăng ký thành lập mới giảm như: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm mạnh do nhu cầu thị trường thấp. Giá cả nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng tác động trực tiếp tới hiệu quả của DN. Bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, để gỡ khó cho DN vật liệu xây dựng, trong điều kiện thị trường bất động sản còn trầm lắng, nhiều DN kiến nghị Chính phủ có thể tập trung xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông…, góp phần giải quyết khó khăn cho DN xi măng, bê tông, sắt thép.

Cập nhật tình tình kinh tế địa phương trong 7 năm 2024, nhiều  tỉnh, thành… bức tranh kinh tế với nhiều chỉ số tích cực là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa". Do đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh nhằm tạo động lực bứt phá cho DN.

 

Quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ. Bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng DN, từ đó tạo dựng niềm tin cho cộng đồng DN. (Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn)

Về triển vọng nửa cuối năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ khả quan hơn nửa đầu năm khi đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, các chính sách hỗ trợ DN tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; nhiều tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy thực thi mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được nhấn mạnh tại Nghị quyết 02/NQ-CP 2024 để hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh… (TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM)