70 năm giải phóng Thủ đô

Không phải vaccine, Nhật Bản xác định "át chủ bài" chống dịch sắp tới

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Tokyo đặt mục tiêu đưa molnupiravir, loại thuốc uống thử nghiệm trị Covid-19 tiềm năng, vào sử dụng thực tế ở Nhật Bản vào cuối năm nay.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Mainichi 
Chính phủ Nhật Bản của tân Thủ tướng Fumio Kishida mới đây đã thông báo về các biện pháp tổng thể để chuẩn bị cho đợt dịch Covid-19 lần thứ 6 tại nước này - được cảnh báo có thể đến vào mùa Đông năm nay.

Trong số các biện pháp được đề xuất, Tokyo thống nhất dành khoảng 45.000 giường bệnh để đáp ứng khoảng 37.000 bệnh nhân Covid-19, nhiều hơn 30% số bệnh nhân so với cao điểm mùa Hè vừa qua tại Nhật Bản.

Nhật Bản dự kiến ​​sẽ có thêm khoảng 6.000 giường bệnh so với tháng 9/2021, với khoảng 1.800 giường bệnh được đặt tại các cơ sở y tế tạm thời. Chính quyền địa phương đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận với các cơ sở y tế tưu nhân vào cuối tháng 11 tới cả về số giường và điều kiện tiếp nhận bệnh nhân.

Trong đợt dịch thứ 5, Nhật Bản đã chứng kiến ​​nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà do không thể nhập viện. Vì vậy, các phòng của cơ sở chăm sóc qua đêm sẽ được tăng thêm khoảng 14.000 phòng, lên tổng số sơ bộ là 61.000. Ngoài ra, khoảng 32.000 cơ sở y tế sẽ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà. Tỷ lệ sử dụng của mỗi cơ sở y tế và thông tin khác sẽ được công bố hàng tháng.

Đặt giả thiết dịch bệnh lây lan mạnh hơn, chính quyền Tokyo vẫn nhấn mạnh yêu cầu hạn chế chăm sóc y tế nói chung ở những khu vực ít ca nhiễm, và giường bệnh được đảm bảo bằng cách điều động nhân viên đến một khu vực rộng giáp ranh giữa các quận.

Nhật Bản đang hướng tới một "bình thường mới", nơi mọi người có thể tiếp tục các hoạt động kinh tế - xã hội với nguy cơ lây nhiễm thấp hơn. Quốc gia này "đặt cược" lớn vào việc triển khai mũi tiêm vaccine bổ sung liều thứ 3 và đảm bảo thuốc men, trong đó Thủ tướng Kishida nói rằng Chính phủ coi thuốc viên trị Covid-19 là "át chủ bài" trong cuộc chiến chống dịch sắp tới.

Tổng cộng 1,6 triệu liều molnupiravir sẽ được phân bổ cho các bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khác ở Nhật Bản, ngay sau khi được Bộ Y tế nước này phê duyệt. Nếu được chấp thuận, molnupiravir sẽ là loại thuốc Covid-19 đường uống đầu tiên được đưa vào sử dụng thực tế ở Nhật Bản.

Hãng dược khổng lồ của Mỹ Merck - công ty đang phát triển molnupiravir - hôm 12/11 vừa qua nói rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Tokyo về việc cung cấp loại thuốc tiềm năng này cho Nhật Bản. Thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD.

Khoảng 200.000 người Nhật sẽ có thể nhận được thuốc uống để ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng vào cuối năm nay. Ước tính cho năm tài chính 2022, Chính phủ Tokyo đặt mục tiêu tổng nguồn cung thuốc cho 1,6 triệu người.

Bên cạnh đó, Nhật Bản dự kiến hoàn tất mũi vaccine Covid-19 thứ 2 cho 100% dân số đủ điều kiện vào cuối tháng 11, và bắt đầu triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho tất cả những ai có nhu cầu sớm nhất là vào tháng 12 tới.

Cho đến nay, tiêm chủng được đánh giá vẫn là hướng chống dịch hiệu quả của Nhật, tương tự các quốc gia trên thế giới. Hôm 7/11, Nhật Bản đã báo cáo 0 trường hợp tử vong hàng ngày do Covid-19 lần đầu tiên sau 15 tháng, sau khi đạt mốc 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, tính đến đầu tháng 11/2021.

Thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ mở rộng thử nghiệm Covid-19 miễn phí cho những người không thể tiêm chủng do các bệnh lý nền, đồng thời hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho những người không có triệu chứng theo quyết định của chính quyền địa phương trong thời gian bệnh nhiễm trùng đang lây lan.

Kế hoạch ứng phó mới nhất của Tokyo cũng quy định rằng nếu tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn dự kiến, Chính phủ có thể yêu cầu người dân hạn chế các hoạt động của họ và chịu trách nhiệm hạn chế chăm sóc y tế nói chung.