Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể bỏ điểm sàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của xã hội để xây dựng phương án điểm sàn phù hợp. Không thể bỏ điểm sàn vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo”.

Thưa Thứ trưởng, hiện tại Bộ GD-ĐT đã chốt các thay đổi ở kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay như thế nào?

Về cơ bản, kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vẫn giữ ổn định như trước. Bộ GD-ĐT chỉ thay đổi một số điểm để phù hợp với điều kiện thực tế mà tại hội nghị tuyển sinh vừa qua các trường cũng đã đem ra thảo luận. Cụ thể, ở trong các đợt xét tuyển thì điểm chuẩn của nguyện vọng sau không thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng trước.

 
Không thể bỏ điểm sàn - Ảnh 1
 
Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH.

Để tránh tình trạng lộn xộn trong khâu xét tuyển, năm nay Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Những thí sinh không trúng tuyển NV đăng ký ban đầu và có điểm thi ĐH, CĐ bằng từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên thì các trường sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi.

Bộ GD-ĐT tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013. Nhằm khắc phục bất cấp ở năm 2012 là ngay khi có điểm sàn có trường nhận hồ sơ xét tuyển ngay nên năm nay Bộ GD-ĐT ấn định thời hạn bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển là 20/8/2013.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung quy định về việc chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn thi tự luận. Quy định này là cần thiết, nhằm điều chỉnh kịp thời chất lượng công tác chấm thi của các trường và để kết quả thi của thí sinh được chính xác hơn và đảm bảo khách quan, công bằng hơn.

Riêng về vấn đề điểm sàn, Bộ GD-ĐT mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các trường cũng như xã hội để có thể điều chỉnh phù hợp trong kì thi tuyển sinh năm nay. Bộ GD-ĐT không thể bỏ điểm sàn vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Với việc cấp cho thí sinh 3 giấy chứng nhận điểm thi bản gốc có giá như nhau ở mỗi đợt xét tuyển sẽ dẫn đề tình trạng “ảo” hồ sơ xét tuyển gây khó khăn cho các trường. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Tôi đồng ý là việc cấp cho thí sinh nhiều giấy chứng nhận điểm thi bản gốc và có giá trị như nhau ở mỗi đợt xét tuyển sẽ dẫn đến việc hồ sơ xét tuyển “ảo” dành cho các trường. Tuy nhiên, nếu việc này so sánh với năm 2012 thì ở mức độ thấp hơn rất nhiều. Ở năm 2012, khi Bộ GD-ĐT không quy định cứng thí sinh phải nộp giấy chứng nhận bản gốc nên có trường chấp nhận cả giấy bản sao. Với việc chấp nhận bản sao như vậy thì mức độ hồ sơ xét tuyển “ảo” rất lớn. Cũng vì thực tế đó mà năm nay Bộ GD-ĐT quyết định chỉ chấp nhận bản gốc mà thôi.

Như Thứ trưởng đã nói ở trên, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung quy định về việc chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn thi tự luận. Vậy cách thức thực hiện như thế nào? Chi phí phát sinh này sẽ do ai chi trả?

Thật ra con số 5% tổng số bài thi đối với môn thi tự luận không phải là nhiều. Để thực hiện quy định này, các trường cần thành lập Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm thanh tra do một phó chủ tịch Hội đồng làm trưởng ban. Ban chấm thanh tra sẽ tổ chức chấm thanh tra tối thểu 5% các bài thi đối với mỗi môn thi tự luận đã chấm, theo tiến độ chấm thi của Ban chấm thi. Căn cứ kết quả chấm thanh tra, tư vấn của Ban chấm thanh tra, Hội đồng tuyển sinh sẽ chỉ đạo công tác chấm thi kịp thời, đảm bảo việc chấm thi đúng đáp án, thang điểm của Bộ và sự chính xác của kết quả thi.

Về chi phí phục vụ cho việc chấm thanh tra tối thiểu thì các trường phải trích từ lệ phí tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã có đề xuất lên Bộ Tài chính để tăng lệ phí tuyển sinh lên 105.000 đồng (tăng 25.000 đồng so với năm trước). Nếu được chấp thuận thì mức thu này sẽ được áp dụng luôn ở kì thi năm nay và chắc chắn sẽ giải quyết được phần nào đó khó khăn cho các trường khi thực hiện công tác tuyển sinh.

Trong những năm qua, đặc biệt là mùa tuyển sinh 2012 các trường ngoài công lập liên tục gặp khó trong tuyển sinh và không ít lần đề xuất bỏ điểm sàn. Như chúng ta đã biết, khi bắt đầu thực hiện kì thi “3 chung” vào năm 2002 thì không có khái niệm điểm sàn và chỉ đến năm 2004 Bộ GD-ĐT mới đưa vào. Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?

Đúng là khi mới bắt đầu thi “3 chung” Bộ GD-ĐT không đưa ra quy định điểm sàn. Vào thời điểm đó các trường muốn xác định điểm trúng tuyển thì lại phải lên Bộ báo cáo và chỉ khi được phê duyệt thì mới được công bố. Để xóa cơ chế “xin - cho” như vậy thì Bộ GD-ĐT mới đưa ra điểm sàn để Hiệu trưởng các trường chủ động công bố điểm trúng tuyển.

Với tình hình hiện tại thì Bộ GD-ĐT không thể bỏ quy định điểm sàn vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng. Nếu chúng ta bỏ điểm sàn thì thí sinh có điểm thấp vẫn được gọi vào học. Cách làm này không phù hợp với chúng ta bởi nếu đào tạo ra mà sinh viên không được xã hội chấp nhận, các nhà tuyển dụng từ chối thì lại là một sự lãng phí quá lớn.

Vậy các trường ngoài công lập cần phải làm gì để tồn tại? Bộ GD-ĐT sẽ có cơ chế gì để giúp đỡ khó khăn của khối trường hiện tại, thưa Thứ trưởng?

Như tôi được biết, không hẳn trường ngoài công lập nào cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường vẫn tuyển sinh đủ thậm chí là vượt hơn so với chỉ tiêu đăng ký. Qua đó cho thấy, nếu trường nào quan tâm phát triển để nâng cao chất lượng thì thí sinh sẽ tin tưởng đầu đơn vào học. Chính vì thế, để có thể tuyển sinh được các trường cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng. Mục tiêu của ngành trong giai đoạn này sẽ tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.

Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tạo cơ chế để cho các trường phát triển nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng. Vừa qua các trường đề nghị được tuyển sinh riêng thì Bộ cũng đồng tình trên quan điểm trường cần có phương án cụ thể thể hiện đầy đủ năng lực của trường trong việc tự tổ chức toàn bộ các khâu tuyển sinh đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan, trung thực và công bằng. Điều quan trọng nhất là đề án phải giải quyết được những bất cập trước thi “3 chung” như vấn đề luyện thi, học ôn... Kể các trường công lẫn trường tư chứng minh thực hiện được điều này thì Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh ngay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!