Không thể “mạnh ai nấy làm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Homestay (du lịch cộng đồng) vài năm gần đây đã trở nên phổ biến tại nhiều địa phương,...

Kinhtedothi - Homestay (du lịch cộng đồng) vài năm gần đây đã trở nên phổ biến tại nhiều địa phương, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và ngành du lịch. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm" như hiện nay, homestay sẽ khó đạt được sự chuyên nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, homestay cần có những quy chuẩn chung để phát triển bền vững.

Chưa có chiến lược cụ thể

Các chuyên gia nước ngoài khi khảo sát homestay ở Việt Nam đều xuýt xoa về sự phong phú, giàu có trong văn hóa và lối sống đa dạng của 54 dân tộc. Cho nên, Việt Nam có thể trở thành một nước hàng đầu về homestay nếu có sự quản lý tốt. Thực tế, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên... hay một số địa phương miền Trung như: Huế, Hội An, Mỹ Sơn và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ đã rất phát triển loại hình du lịch này.

Điển hình nhất là Lào Cai, địa phương đi đầu để tìm tòi cách làm homestay với việc nghiên cứu, soạn thảo một bộ giáo trình dạy nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số làm homestay chỉ trong 12 ngày. Do đó, homestay ở đây phát triển ổn định, nhiều hộ có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng mỗi tháng.

 
Tham gia Homestay du khách sẽ hiểu được bản sắc văn hóa của từng vùng miền. Ảnh: Trần Anh
Tham gia Homestay du khách sẽ hiểu được bản sắc văn hóa của từng vùng miền. Ảnh: Trần Anh
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ gia đình và địa phương có cách làm chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế thì đa phần người dân đều tự phát làm homestay theo kiểu "mạnh ai nấy làm" chứ không có chiến lược cụ thể. Một số trường hợp khác được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thì người hướng dẫn lại thiếu kinh nghiệm và chuyên môn về kinh doanh du lịch nên hiệu quả thấp.

Cần có tiêu chí chung

Ông Dương Minh Bình - Giám đốc Công ty CBT Travel, chuyên gia tư vấn homestay đánh giá: "Hầu hết các mô hình homestay tại Việt Nam hiện nay đều thiếu thiết kế đồng bộ, chất lượng cơ sở hạ tầng dịch vụ không đảm bảo quy chuẩn, và kỹ năng làm du lịch của người dân còn đơn điệu. Bên cạnh đó, năng lực truyền thông rất kém, lại không có định hướng kinh doanh nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp và thiếu bền vững". Ông Bình cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm làm homestay là du khách phải sống trong điều kiện như người dân bản địa. Ví dụ: Ở Đắc Lắk, đa phần người dân ăn, ngủ cùng một chỗ, lúc ăn phải ngồi bệt, điều này gây khó khăn, bất tiện cho khu khách nước ngoài và cả với nhiều du khách trong nước. Vì thế, họ đã tư vấn để những hộ làm homestay ở đây tách biệt nơi ăn, ngủ. "Tôi đã từng bị phạt rất nhiều tiền vì đưa khách đến những nơi thiếu thốn điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Vì du khách khi đi du lịch không thể mường tượng được điều kiện, hoàn cảnh sống nơi họ đến. Homestay là trải nghiệm về đời sống, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán chứ không thể bắt khách làm những điều khó khăn với họ, như vậy, chuyến đi sẽ không còn thú vị nữa" - ông Bình nhấn mạnh.

Không thể “mạnh ai nấy làm” - Ảnh 1
Tuy khó có một mô hình mẫu về homestay để áp dụng cho tất cả các vùng miền, song các chuyên gia đều cho rằng, vẫn cần có những tiêu chí chung. Theo ông Bình: "Mô hình homestay cần đạt chuẩn toàn diện theo những quy chuẩn về tiện nghi, ý thức bảo vệ môi trường, khu vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ, thức ăn đảm bảo hài hòa bản chất địa phương và khẩu vị của khách, dịch vụ tham quan, quản lý, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có quảng bá marketing, kết nối với khách hàng…". Còn bà Thùy Dương - Phó Giám đốc Evivatour cũng đưa ra 3 yếu tố để phát triển homestay bền vững. Đó là, có nhà tư vấn giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để có chiến lược phát triển bền vững; lựa chọn công ty lữ hành uy tín để bán sản phẩm tour cho người dân; và quan trọng nhất là dịch vụ phải thực sự có chất lượng, ấn tượng để níu chân du khách và kích thích họ quay trở lại. "Nếu chất lượng phục vụ tốt thì du khách sẽ hiểu được là gia đình này, địa phương này giữ được bản sắc văn hóa. Đừng cố gắng tạo ra những mô hình homestay theo kiểu hộ nào cũng giống viện bảo tàng, gây sự nhàm chán. Chất lượng mà tôi muốn nói đến là thái độ thân thiện, sự chân thành, nhiệt tình hỗ trợ khách và hướng dẫn khách tìm hiểu văn hóa bản địa" - bà Dương bày tỏ.