Giá lợn hơi trên đà tăng, cao nhất 58.000 đồng/kg
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị ngày 18/1 cho thấy, tại miền Bắc, giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh, cao nhất là 58.000 đồng/kg ở nhiều địa phương. Đây là mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023 đến nay.
Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, thương lái tại Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam và Tuyên Quang hiện đang thu mua lợn hơi trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, Hà Nội nâng giá lợn hơi lên mức cao nhất khu vực là 58.000 đồng/kg. Lợn hơi tại Thái Nguyên và Ninh Bình cùng giao dịch tại mức 57.000 đồng/kg, sau khi tăng 2.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thu mua trong khoảng 50.000 - 56.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng theo xu hướng chung của thị trường, dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Hiện, các sản phẩm thịt lợn ở các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội có giá khoảng 100.000 - 130.000 đồng/kg; trong đó, thịt ba chỉ có giá cao nhất 130.000 đồng/kg, nạc thăn có giá 120.000 đồng/kg, nạc mông có giá 100.000 đồng/kg, sườn thăn 100.000 - 110.000 đồng/kg. Một số chủ trang trại cho hay, giá thành sản xuất lợn hơi dao động từ 45.000 - 52.000 đồng/kg, với mức giá trên, mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi.
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Để nuôi 1 con lợn thịt đạt 100 kg, cần sử dụng 9 bao thức ăn loại 2 với giá 330.000 đồng/bao và 1 bao thức ăn loại 1 với giá trên 450.000 đồng/bao, riêng giá lợn giống dao động từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/con, tính ra chi phí nuôi 1 con lợn đến lúc xuất bán gần 5 triệu đồng. Như vậy, giá bán dịp Tết Nguyên đán phải ở mức 55.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lãi”.
Nguồn cung ổn định
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Phạm Kim Đăng cho biết, đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ nay đến Tết nguyên đán Giáp Thìn.
Chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn ở mức cao.
Lý giải về việc có nhiều thời điểm giá lợn hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt lợn tại các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, siêu thị gần như không giảm và vẫn cao, ông Phạm Kim Đăng cho rằng, do chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2023, tổng đàn lợn cả nước ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với năm 2022. Tổng sản lượng lợn hơi các loại đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022, trong đó, thịt lợn 4,68 triệu tấn. Ngoài ra, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023.
Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tổng sản lượng lợn hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm 2023; sản lượng thịt lợn đạt trên 4,87 triệu tấn, tăng 4%. Sản lượng thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự báo không thiếu dù nhu cầu tiêu dùng tăng vọt.
Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn là rất lớn. Để ổn định nguồn cung thịt lợn, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao.
Thịt lợn là mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn mỗi gia đình, vì thế, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương triển khai các giải pháp chủ động được nguồn cung và cầu, góp phần bình ổn giá mặt hàng này trên thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến