Gần 3 thập kỷ sai lầm
Trong vài ba thập kỷ ở thế kỷ trước (những năm 50, 60 và 70), cùng với lý do chiến tranh, từng có suy nghĩ không đúng về lễ hội với cách nghĩ hội là mê tín, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của, nên không cho tổ chức.
Đến những năm 80, các hội làng dưới tên gọi “lễ hội” được phục hồi. Với tư duy mới, chúng ta nhìn nhận lại và tự thừa nhận đó là thời kỳ thiếu hụt văn hóa truyền thống, làm phai nhạt mối quan hệ cộng đồng, mất đi niềm tin tâm linh trong mỗi người. Niềm tin tâm linh không chỉ với thần linh mà cả với vị anh hùng, tổ nghề mà các làng quê thờ cúng. Nên nếu bây giờ, khi có một vài lễ hội phản cảm, người ta lại nghĩ ngay đến việc giảm số lượng lễ hội trong năm. Đó là cách nghĩ đơn giản, không đúng với xu thời về mặt văn hóa.Tính tổng cộng một năm, nước ta có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Tuy nhiên không nên làm phép tính cộng như vậy với văn hóa. Lễ hội nằm rải rác ở khắp vùng miền, mọi người không đi dự tất cả các lễ hội đó. Hội làng chủ yếu phục vụ cho làng xã đó và một vài xã xung quanh. Hội làng đang là một nhu cầu thực về văn hóa và tâm linh. Ngay cả vùng ngoại thành Hà Nội vẫn cần các hoạt động mang tính chất cộng đồng như hội làng. Theo tôi những hội diễn ra ở làng quê không nên gọi là lễ hội mà trở lại gọi hội làng như xưa, như ta vẫn quen gọi Hội Giá, Hội đền Và, Hội Gióng. Ở làng quê Việt, mỗi làng đều có đình, đền thờ các vị thành hoàng; có thể thờ thành hoàng riêng của làng hoặc liên kết tạo thành cộng đồng, cùng thực hành niềm tin lễ hội. Ví dụ đền Và nơi thờ Đức Thánh Tản nhưng không chỉ có thôn Vân Gia (Sơn Tây, Hà Nội) thờ, mà có các thôn ở xung quanh. Nên lễ hội đền Và lan rộng nhiều thôn của Hà Nội và thôn Di Bình ở Vĩnh Phúc. Tất cả những sinh hoạt văn hóa hội làng là nhu cầu tinh thần của người dân, thông qua các hoạt động của hội, giúp củng cố cộng đồng. Trong quá trình thực hành lễ hội, bà con có dịp kết nối đồng cảm với nhau. Người ta không chỉ tham dự mà tham gia vào hoạt động đó một cách tự nhiên, như là nhu cầu của cuộc sống, nên không thể làm phép cộng để thấy nhiều lễ hội trong một năm.Bỏ cướp lộc vô tổ chứcVề cơ bản, các hội làng diễn ra thanh bình, chỉ có chưa đầy 10 lễ hội xảy ra một số điều phản cảm, diễn ra trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến nhận thức về lễ hội. Ví dụ như Hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), hoặc Hội Gióng đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Hội đền Trần (Nam Định)…, có một vài điều gây bức xúc. Năm nay, ở đền Sóc đã bỏ cướp lộc vô tổ chức, đó là cách xử lý theo chiều hướng tốt. Bởi cốt lõi của hội là nghi lễ dâng lễ vật lên đức Thánh, cướp lộc ở đền Sóc không phải là nghi lễ hoặc là thành phần của nghi lễ. Ở đền Trần (Nam Định) cũng cần học hỏi sự thay đổi này để giảm bớt phát ấn, phát lộc gây lộn xộn như nhiều năm trước. Chưa kể, câu chuyện truyền thông, tạo ra nhu cầu phát ấn vua Trần đầu năm cho du khách ở nhiều lễ hội. Phát lộc, cướp lộc ở một số nơi đẩy niềm tin tâm linh của khách thập phương lên mức mù quáng.Ở các nước Đông Nam Á hoặc Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có quan niệm lấy khước cầu may, nhưng ở đó công tác tổ chức tốt, nên lễ hội tuy đông người nhưng không lộn xộn. Ví dụ lễ kéo co Hàn Quốc làm cây rơm tạo hình con rồng để kéo co, sau khi kết thúc người tham gia đều có quyền cắt đi một phần dây kéo để mang về nhà làm lộc mang lại điều may mắn cho gia đình. Cách thức tổ chức lễ hội có kỷ cương, kỷ luật. Ở Việt Nam, kéo co ngồi tỉnh Vĩnh Phúc từng xảy ra đánh nhau. Nhưng từ khi lễ hội được tổ chức tại sân thiết kế riêng cho hoạt động này, cách ly các đội kéo với người xem thì xô xát không còn. Hiện nay, phần lớn lễ hội ở nước ta được tổ chức theo nếp truyền thống xưa, có những cách không theo kịp sự tiến bộ của xã hội nên gây ra những hình ảnh không văn minh. Vì vậy, cần thay đổi cách thức tổ chức thay vì nghĩ cách giảm bớt số lượng lễ hội.