Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Văn Biên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 - 15/5), với sự vào cuộc, phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức an to

Không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm - Ảnh 1
Hà Nội không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thanh kiểm tra... Ảnh: T. Tâm

Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm triển khai theo đúng kế hoạch và đạt được kết quả đề ra. Bên cạnh đó, các tuyến đã triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch và chủ động tổ chức triển khai sớm, đúng với chủ đề tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm tới từng người dân thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh kiểm tra. Nhờ vậy, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.

Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, TP Hà Nội đã thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra. Kết quả có 16.275 cơ sở được kiểm tra, trong đó có 13.893 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 85,3%; 2.382 cơ sở vi phạm (cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là 1.457 cơ sở; có 12 cơ sở bị tịch thu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 12 cơ sở; 254 cơ sở bị hủy sản phẩm và 40 cơ sở bị đình chỉ).

Đồng thời nhắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như: Đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức (619 cơ sở).

Bên cạnh đó đã tiến hành xét nghiệm tại Labo, lấy 120 mẫu, trong đó thịt và sản phẩm thịt 8 mẫu; thủy sản và sản phẩm thủy sản 25 mẫu; trái cây 4 mẫu; rau, củ, quả 51 mẫu; sản phẩm khác là 32 mẫu, trong đó đạt 115/120 mẫu (chiếm 95,8% ) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích.

“Về xét nghiệm nhanh đã đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với tổng số mẫu là: 16.876 mẫu/18.271 mẫu, chiếm tỷ lệ đạt 92,4%; tinh bột đạt 15.145/16.445 mẫu, tỷ lệ đạt 92,1%; dấm đạt 649/662 mẫu, tỷ lệ đạt 98,0%; hàn the đạt 714/728 mẫu, tỷ lệ đạt 98,1%; thuốc trừ sâu đạt 368/436 mẫu, tỷ lệ đạt 84,4%” - ông Đặng Thanh Phong thông tin.

Theo ông Đặng Thanh Phong, mặc dù đã đạt được kết quả khả quan, có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng thực tế cho thấy một bộ phận cơ sở thực phẩm ý thức chưa cao trong thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh…Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng sản phẩm thực phẩm bán hàng rong không cố định, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy mạnh được đầu tư vào sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa quy hoạch nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, ISO, GlobalGap, hữu cơ... Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao, được tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá thành không ổn định.

Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, các cơ sở sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa quyết liệt, chủ yếu vẫn là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm vẫn còn (đặc biệt là cấp xã, phường).

Ông Đặng Thanh Phong đề nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và ngăn chặn các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhập lậu hoặc tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng các điểm giết mổ tập trung. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm sống trong nội thành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.