Không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng sau Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/2, ngày nghỉ cuối cùng trong dịp Tết Giáp Ngọ, hàng ngàn người từ các địa phương đã bắt đầu trở lại Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm.

Tuy nhiên, do thời gian nghỉ Tết kéo dài nên lượng người đổ về các tuyến đường dẫn vào nội đô cũng như tại các bến xe không đông như các năm trước, vì vậy không xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.

Các bến xe vẫn thưa khách

Theo ghi nhận của chúng tôi vào đầu giờ chiều ngày 4/2, tại các tuyến đường dẫn vào nội đô như Phạm Văn Đồng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A cũ, QL5, 6… mật độ phương tiện tham gia giao thông có tăng nhưng vẫn có thể di chuyển được. Tuy nhiên, tại các tuyến đường dẫn vào các bến xe như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng (Bến xe Mỹ Đình), Giải Phóng (Bến xe Giáp Bát)… đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các tuyến đường không xảy ra UTGT là do kỳ nghỉ lễ năm nay được kéo dài đến 9 ngày. Do vậy, để tránh bị "hành xác" trên những chuyến xe khách, nhiều người dân chủ động đi xe máy về quê ăn Tết.

 
Lượng hành khách đổ về Bến xe Giáp Bát trong chiều 4/2 không đông như dự kiến.
Lượng hành khách đổ về Bến xe Giáp Bát trong chiều 4/2 không đông như dự kiến.

Tại các bến Mỹ Đình, Giáp Bát... lượng xe khách ra vào bến tuy có tăng nhưng đều đã được bố trí nơi đỗ phù hợp. Do đó, tình trạng ùn ứ trong khu vực nhà chờ, khu vực đón trả khách đã không diễn ra. Thậm chí, có những thời điểm lượng khách xuống xe thưa thớt hơn cả đội ngũ xe ôm, xe taxi bắt khách. Chị Nguyễn Thị Hà (quê Nam Định), nhiều năm đi lại trong dịp này cho biết, so với những ngày bình thường giá vé tăng lên 20.000 đồng/người/lượt nhưng đây là mức mà đa phần hành khách có thể chấp nhận được trong dịp này. Tuy nhiên, điều chị Hà và nhiều khách khác bức xúc nhất là thái độ, cách tính phí của đội ngũ lái xe taxi. Theo chị Hà, bình thường từ Bến xe Mỹ Đình về Công viên Hòa Bình chỉ mất khoảng 60.000 đồng. Tuy nhiên, vào những ngày này nhiều lái xe taxi thản nhiên đòi 100.000 đồng mới chịu đi.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm cho biết, để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân sau Tết Nguyên đán, Công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên bố trí đủ xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, từ ngày 31/1 - 9/2, Công ty đã yêu cầu Bến xe Giáp Bát bố trí 1.679 xe, Bến xe Gia Lâm 710 xe, Bến xe Mỹ Đình 1.642 xe để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, Công ty đã phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng tăng tần suất hoạt động của xe buýt để chống ùn tắc tại các bến.

Hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc

Ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Từ Liêm (Sở GTVT) cho biết, đến thời điểm này (16 giờ, ngày 4/2 - PV) mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng nhưng vẫn có thể di chuyển được, chưa xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Trung tá Nguyễn Hồng Thái - Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho biết, đầu giờ chiều các tuyến đường dẫn vào nội đô như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A cũ, đường Giải Phóng các phương tiện vẫn có thể di chuyển bình thường. Tuy nhiên, có thể vào cuối giờ chiều ngày 4/2 và ngày 5/2 mật độ phương tiện sẽ tăng cao nên có thể xảy ra ùn tắc giao thông. Để đảm bảo ATGT, Đội đã bố trí lực lượng tăng cường chốt trực tại những điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc. "Để đảm bảo nhu cầu đi lại, các chủ phương tiện khi di chuyển cần tuyệt đối tuân thủ luật giao thông, di chuyển theo tín hiệu của các lực lượng chức năng" - Trung tá Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.