Khu công nghiệp - nhân chứng kể chuyện lịch sử Hà Nội

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân là 3 trong 113 dự án đã và sắp phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450 hecta tại các khu công nghiệp để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Đây cũng xem là “cơ hội vàng” để xây dựng các không gian sáng tạo từ mặt bằng các khu công nghiệp cũ để lại.

Tại Hà Nội việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo vẫn còn là điều mới mẻ. Dù đã có một số địa điểm tại Hà Nội chuyển đổi thành công như: Nhà máy In cũ của báo Nhân Dân (phố Tràng Tiền) thành Trung tâm Văn hóa Pháp, cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), nền một nhà máy cũ khác cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn)… Theo kế hoạch của TP, sẽ có 113 nhà máy trong nội đô nằm trong diện phải di dời ra ngoài để tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm sức ép hạ tầng xã hội, diện tích đất đã di dời dành cho các công trình công cộng. Đây sẽ là cơ hội tốt để Hà Nội phát triển các không gian sáng tạo, biến các nhà máy cũ thành các không gian giàu cảm xúc. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ: “Việc đầu tiên chúng ta nên thận trọng đánh giá, cân nhắc việc có nên xóa bỏ các nhà máy cũ khi di dời đi hay không? Bởi nhiều nhà máy có kết cấu đẹp, có thể kể các câu chuyện lịch sử và khi chúng ta đưa nghệ thuật đương đại vào, nó sẽ trở nên hấp dẫn, có thể biến Hà Nội trở thành nơi đáng sống”.
 Nhà xưởng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art-Deco đang được xem là không gian sáng tạo trong tương lai.
Thực tế trên thế giới, nhiều TP đã chuyển đổi từ TP công nghiệp sang TP của du lịch, dịch vụ và công nghệ. Thay vì phá bỏ tất cả họ đã giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử kể chuyện một thời của TP. Đó là công trình nổi tiếng, 798 Art Zone tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, được xây dựng từ một liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60ha vào những năm 1950, nay chuyển thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật vô cùng hấp dẫn trên nền tảng không gian và các công trình công nghiệp cũ.

Khu 789 Art Zone đã thu hút hơn 75 triệu khách và là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa quốc tế và quốc gia như Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh, hay tuần lễ thiết kế Bắc Kinh. Hay dự án hợp tác khu La Friche la Belle de Mai, Pháp. Tiền thân là nhà máy Seita, La Friche la Belle de Mai, ngày nay là điểm đến của sự sáng tạo và đổi mới, vừa là không gian làm việc của 65 tổ chức (gồm 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhân viên làm việc hàng ngày tại đây), vừa là nơi lan tỏa giá trị (600 đề xuất nghệ thuật được công bố mỗi năm thông qua những hội thảo non trẻ cho đến các liên hoan lớn và lâu đời).

Một ví dụ khá thành công là Songsan Creative Park (công viên văn hóa – sáng tạo Songsan) ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Người ta đã giữ lại, bảo tồn và tái sử dụng toàn bộ khuôn viên và các công trình nhà máy thuốc lá Matsuyama (Tobacco Plant) do người Nhật xây dựng năm 1937, và biến đây trở thành một không gian văn hóa đa năng hấp dẫn (từ năm 2011).

Bản thân Hà Nội cũng có không ít nhà máy chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử và được xem như những di sản công nghiệp. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. “Cần xem các nhà máy cũ là cơ hội quý báu, từng bước hiện thực hóa không gian và cộng đồng sáng tạo. Đây là những quỹ đất trống cuối cùng, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, chúng ta sẽ mất mãi mãi” - PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhận định.