Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu vực doanh nghiệp tư nhân: Vẫn thiếu những doanh nghiệp lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số lượng doanh nghiệp ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ, ước tính đến hết năm 2009 là 460 nghìn doanh nghiệp, tăng 15 lần trong vòng 9 năm. Song đáng tiếc là phần lớn các doanh nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, số doanh nghiệp tư nhân lớn còn quá khiêm tốn,

KTĐT - Số lượng doanh nghiệp ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ, ước tính đến hết năm 2009 là 460 nghìn doanh nghiệp, tăng 15 lần trong vòng 9 năm. Song đáng tiếc là phần lớn các doanh nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, số doanh nghiệp tư nhân lớn còn quá khiêm tốn, trong khi các doanh nghiệp quy mô vừa cũng rất thưa thớt.


Trong báo cáo Top 500 doanh nghiệp lớn nhất của VietNam Report và VietNamNet công bố mới đây, vào năm 2009, chỉ có 28,9% trong số các doanh nghiệp này là của khu vực tư nhân. Tỷ lệ này có tăng so với mức 24% của năm 2008 nhưng phần lớn con số tăng trưởng có được là nhờ sự góp mặt của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Số các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, tập đoàn đi lên từ mô hình tư nhân, trải qua các giai đoạn từ công ty gia đình, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn chỉ rất giới hạn ở một vài tên tuổi quen thuộc như: Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Saigon Invest, SSI, CMC..


Trên thực tế, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất gian nan. Môi trường kinh doanh cũng như những hạn chế về trình độ quản trị, điều hành, vốn, công nghệ… là những rào cản khiến các doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những đầu tàu cho nền kinh tế hoặc cho toàn bộ khu vực tư nhân. Trong năm 2008 và 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra, số doanh nghiệp tư nhân có thể đảm đương vai trò là chỗ dựa giúp Chính phủ triển khai các chính sách chống khủng hoảng là vô cùng ít ỏi.


Còn nhớ trong danh sách 200 doanh nghiệp lớn nhất do UNDP công bố thì chỉ có 17 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Con số này quả là ít ỏi. Báo cáo này cũng cho biết, trong số 17 doanh nghiêp có rất ít doanh nghiệp xuất phát ban đầu là doanh nghiệp tư nhân, phần lớn là các doanh nghiệp được cổ phần hóa.


Ông Lê Duy Bình, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lo ngại: “Thiếu vắng doanh nghiệp lớn cũng đồng nghĩa với việc về trung hạn sẽ khó hy vọng có một vài doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể vươn xa hơn tới các quốc gia khác nhằm xây dựng một thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô đa quốc gia”. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam gặt hái được thành công trong việc xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế như: Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Phở 24, Sacombank, CAVICO… nhưng để trở thành một tập đoàn đa quốc gia theo đúng nghĩa thì quả là còn một chặng đường gian nan.


Cũng theo ông Bình, khu vực tư nhân ở Việt Nam đang thực sự thiếu vắng những doanh nghiệp cỡ vừa để có thể sớm trở thành những doanh nghiệp lớn. Nhằm củng cố nhận định này, đại diện Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn dẫn thêm các con số khảo sát trong Báo cáo Đánh giá 2 năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) và UNDP năm 2008. Theo đó, 80% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam có quy mô nhỏ, trong đó 80% có quy mô vốn kinh doanh dưới 5 tỷ đồng và 87% sử dụng dưới 50 lao động.


Điều này rõ ràng cho thấy, đang tồn tại một vài điểm “trũng” về chất lượng trong khối doanh nghiệp tư nhân ở nước ta. Nếu không được các nhà quản lý và nhà hoạch định kịp thời quan tâm đề xuất chính sách xử lý thì vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế sẽ có nguy cơ bị mờ nhạt trước bối cảnh toàn cầu có quá nhiều biến động như hiện nay.