Khu vực ngã tư Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến: Nhức nhối vì bến “cóc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ lâu, khu vực ngã tư Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến tồn tại 2 bến “cóc” với cường độ hoạt động liên tục, có quy mô và được tổ chức rất bài bản.

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy Hoàng Ngọc Đức nhận định: “Trong số các xe đón trả khách tại đây, xe mang thương hiệu Anh Huy - Đất Cảng là nổi trội nhất”.

Bến khách - bến hàng

Tòa nhà Viglacera có 2 mặt tiền, một nằm tại số 1 Đại lộ Thăng Long, một tại số 293 Khuất Duy Tiến. Xe khách liên tỉnh đi Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình… xuất phát từ 2 Bến xe: Yên Nghĩa, Mỹ Đình đều phải qua khu vực này để vào đường gom, lên Vành đai 3. Cả 2 mặt tiền của tòa nhà đều có vỉa hè thoáng rộng, cổng chính trên đường Khuất Duy Tiến tiếp giáp miệng hầm đi bộ, cây xanh tỏa bóng mát, rất tiện tránh mưa, nắng. Mỗi ngày phải có đến cả nghìn lượt hành khách đổ về khu vực này đón xe. Phía đối diện, các xe khách từ đường Vành đai 3 xuống Khuất Duy Tiến, bất chấp xung đột, cản trở giao thông, trả khách ngay trên lòng đường. Có khách xuống tất yếu sẽ có taxi, xe ôm đón mời, có quán trà đá, giải khát nghỉ chân. Và tất cả tạo nên 2 bến “cóc” với lưu lượng hành khách, phương tiện không thua gì một bến xe thực thụ. Thậm chí, nếu bỏ qua yếu tố quy mô, chỉ nhìn vào mật độ hành khách, khu vực này có phần còn sôi nổi hơn cả Bến xe Yên Nghĩa.
Xe khách Anh Huy - Đất Cảng. Ảnh: Minh Tường
Xe khách Anh Huy - Đất Cảng. Ảnh: Minh Tường
Không chỉ đón khách, 2 bến “cóc” này còn kiêm luôn cả dịch vụ trung chuyển hàng hóa. Trong gần một tháng theo dõi, theo ước tính của chúng tôi, mỗi ngày những chiếc xe loại 45 chỗ với hầm cốp mênh mông của dàn xe khách Anh Huy - Đất Cảng có thể vận chuyển và thu về hàng chục triệu tiền cước hàng hóa. Đại diện Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy thừa nhận, 2 bến “cóc” này đã tồn tại từ hàng năm nay và thời gian gần đây, ngày càng nhộn nhịp hơn. 2 bến “cóc”, mỗi cái tiếp nhận hàng trăm xe, hàng nghìn khách và số lượng không đếm xuể hàng hóa mỗi ngày; tồn tại ngay tại một trong những nút giao xung yếu nhất của Hà Nội; trở thành hạt nhân gây dựng cả một hệ thống dịch vụ đi kèm với xe ôm, taxi, hàng quán… đông vui, náo nức ngày này qua ngày khác.

Gây ùn tắc giao thông 

Có rất nhiều thương hiệu lớn hàng ngày vẫn cho xe đổ bộ vào 2 bến "cóc" trên đường Khuất Duy Tiến đón trả khách, tạm liệt kê như: Anh Huy - Đất Cảng, Thái Đăng Long, Gia Bảo Linh, Ô Hô… Nhưng không một hãng xe nào có mật độ hoạt động, thị phần lớn và “quy cách chặt chẽ” như xe Anh Huy - Đất Cảng. Trước cửa số nhà 293 Khuất Duy Tiến, thường xuyên có từ 2 - 4 nhân viên phục vụ, điều hành, mặc đồng phục trắng, ngực thêu “Anh Huy - Đất Cảng”, đeo thẻ chuẩn chỉnh. Họ túc trực để gom khách, nhận hàng, cả ngày đi lại lăng xăng, tiếp chuyện, hỏi han bất cứ ai tiến vào địa phận bến “cóc” với thái độ rất niềm nở, khéo léo. Ngày thường cứ 15 phút/chuyến xe Yên Nghĩa - Hải Phòng, ngày cao điểm khoảng 10 phút/chuyến. Xe đến là mỗi người một chân một tay, bật cốp đóng hàng hoặc “lùa” khách lên xe. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều người nhiệt tình hỗ trợ xe Anh Huy - Đất Cảng chào mời khách, dù không mang đồng phục.

Trong khi xe khách, đặc biệt là xe Anh Huy - Đất Cảng “phởn phơ” lập bến “cóc”, tạt ra, tấp vào đón trả khách, giao nhận hàng; nút giao Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến hầu như ngày nào cũng xảy ra ùn tắc. Dòng phương tiện từ Vành đai 3 xuống, trót đi sau xe Anh Huy - Đất Cảng hay Gia Bảo Linh, Thái Đăng Long thì hẵng cứ… từ từ, trả khách xong đã, đường mới thông được. Giờ cao điểm, khoảng 300m từ đầu Đại lộ Thăng Long đến đường gom dẫn lên Vành đai 3 có lúc tắc đến nghẹt thở, người tham gia giao thông cũng vẫn phải nén lòng chờ đợi. Xe tạt vào đón khách, đóng hàng xong sẽ đi, tần suất thông thoáng 2 - 3 phút/lượt, ai nhanh chân thì kịp. Quá bức xúc bởi tình cảnh ngày nào đi qua cũng bị ùn tắc tại khu vực này, khiến nhiều người nghi ngờ có việc "chống lưng" cho bến "cóc" hoạt động, bởi tại sao trong suốt một thời gian dài hoạt động mà không bị dẹp bỏ?