Khung hệ thống giáo dục quốc dân: Chưa giải được vấn đề phân luồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với chương trình của hệ thống giáo dục hiện hành, khung hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có một số điểm mới.

Thế nhưng, như PGS Văn Như Cương bày tỏ: Vẫn không giải quyết được vấn đề rất lớn và quan trọng là phân luồng.

Cơ bản vẫn như cũ

Theo phân tích của PGS Văn Như Cương, trong đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, nếu như ở bậc tiểu học có thời gian học 5 năm và THCS 4 năm chỉ có một luồng giáo dục cơ bản như hiện nay, thì THPT có điểm mới là phân 3 luồng. Việc chia THPT theo luồng cũng giống như phân ban trước đây (hàn lâm, kỹ thuật và công nghệ, năng khiếu). Ngoài ra, Bộ GD&ĐT “nói” thêm một câu rất lỏng lẻo: Hết bậc THCS, những em có nhu cầu học nghề sớm để ra đời đi làm thì chuyển sang học nghề. Ở giáo dục bậc cao, có chút thay đổi về thời gian học.
Giờ học tiếng Anh của học sinh khối 12 Trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học tiếng Anh của học sinh khối 12 Trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, đại học (ĐH) từ 4 - 5 năm giảm xuống còn 3 - 4 năm, tiến sĩ 1 - 2 năm tăng lên thành 2 - 3 năm. Và như vậy, về cơ bản, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vẫn như cũ. Nhưng băn khoăn ở chỗ, cơ cấu hệ thống giáo dục của chúng ta không làm tốt vấn đề phân luồng. Học sinh (HS) học xong tiểu học sẽ lên THCS, hết THCS lại vào THPT, những em đỗ tốt nghiệp nhất định phải thi ĐH. Nếu thi ĐH năm đầu không đỗ, sẽ đợi đến năm thứ hai. Nói chung rất ít em rẽ sang nhánh học nghề. Tình hình này sẽ tiếp tục diễn ra, nhất là khi Bộ GD&ĐT không đưa ra bất cứ cơ chế, quy định ràng buộc nếu vào ĐH phải có điều kiện gì. Trong khi đó, hiện nay đã có trên 225.000 người tốt nghiệp ĐH trở lên thất nghiệp. Điều này cho thấy, đào tạo vẫn lệch lạc. Xã hội đang cần những người làm việc, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, thì các cơ sở giáo dục không đào tạo hoặc có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy đã được cảnh báo vài năm nay, nhưng không hiểu vì sao khung hệ thống giáo dục quốc dân mới không có giải pháp để khắc phục vấn đề này.

Phải phù hợp với thực tế

Hiện nay, hầu hết HS THPT đang đi theo định hướng chung hàn lâm/khoa học, cho dù các trường ĐH có khối A, A1, B, C, D. Nếu Đề án cơ cấu hệ thống này được Chính phủ phê duyệt, sẽ rất ít HS đi theo hướng kỹ thuật/công nghệ và năng khiếu. Vì thế, từ cấp THCS sẽ phân luồng khoảng 60 - 70% HS lên THPT, còn lại 30 - 40% đi học nghề. Em nào đi học nghề hay học lên THPT là dựa vào số điểm của cuộc thi nào đó. Khi đã vào được THPT, những em có tố chất phù hợp thì theo luồng định hướng hàn lâm, kỹ thuật/công nghệ hay năng khiếu. Tuy rằng phân ra theo hướng, nhưng vẫn có thể luân chuyển HS từ giáo dục nghề nghiệp sang THPT nếu kết quả học tập xuất sắc hoặc ngược lại.

PGS Văn Như Cương cho rằng, với việc phân luồng THPT theo 3 hướng, nếu xây được thành 3 loại trường riêng biệt thì rất tốt. Nhưng việc này khó bởi vấn đề giáo viên, cơ sở vật chất, bổ nhiệm hiệu trưởng… không đáp ứng. Rồi những trường ngoài công lập chỉ chọn loại hình định hướng thứ nhất để dạy, liệu có được không? Vì đi theo hướng kỹ thuật/công nghệ sẽ không có tiền để mua máy móc, thiết bị. Nếu họ đầu tư được, tuy nhiên không có HS đăng ký học, thì máy móc đắp chiếu, giáo viên không có việc làm nhưng trường vẫn phải trả lương? 

“Tôi nghĩ trong một trường đào tạo HS theo 3 hướng cũng được, nhưng dứt khoát phải có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm số em cho từng loại. Có lẽ phương án khả thi nhất chính là chương trình THPT bố trí thêm dăm ba tiết định hướng kỹ thuật/công nghệ trong một tuần. Như vậy có lẽ sẽ phù hợp với thực tế hơn” - PGS Văn Như Cương đề xuất.