3 người đàn ông cầm dao, đội mũ lưỡi trai và đeo mặt nạ, đã đe dọa 1 tài xế đang giao giấy vệ sinh đến một siêu thị ở khu Mong Mong. 50 gói giấy vệ sinh, tương đương 600 cuộn, đã bị cướp đi bằng xe đẩy. Giấy vệ sinh sau đó được tìm thấy được cất giấu trong một nhà khách gần đó, nơi cảnh sát đã bắt giữ 2 nghi phạm, trong khi 1 người vẫn còn bỏ trốn.
Cùng với mặt nạ y tế và dung dịch khử trùng, các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, gạo, thực phẩm khô và các mặt hàng chủ lực khác đã "cháy hàng" đồng loạt ở Hồng Kông ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Mặc dù chính quyền khu vực này đã bác bỏ những tin đồn thất thiệt, khẳng định các chuỗi siêu thị hàng đầu không thiếu nguồn cung, nhưng sự hỗn loạn của người mua từ đầu tháng nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Nhiều siêu thị buộc phải giới hạn số lượng hàng được mua bởi mỗi người. Các nhà thuốc thường phải thông báo trước việc tổ chức bán khẩu trang với số lượng hạn chế, trong khi mọi người sẽ xếp hàng từ đêm trước.
Hồng Kông là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 - 2003, khiến người dân càng trở nên lo lắng với dịch bệnh COVID-19 - hiện đã khiến 1 người chết và 57 người nhiễm bệnh tại Hồng Kông.
Hồng Kông không phải là nơi duy nhất diễn ra tình trạng mua hàng hoảng loạn khi số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới gia tăng. Sau khi chính phủ Singapore tăng mức cảnh báo sức khỏe vào đầu tháng này, đám đông đã đổ đến các siêu thị thu gom giấy vệ sinh, mỳ tôm...
Đài Loan cũng chứng kiến một đợt "cháy hàng" giấy vệ sinh sau khi cư dân mạng lan truyền tin đồn rằng việc sản xuất giấy đang bị hạn chế vì bột giấy được sử dụng để làm khẩu trang thay thế.
Cùng ngày, một người giúp việc mang quốc tịch Indonesia đã bị tòa án Hồng Kông tuyên pahjt 4 tuần tù, sau khi bị kết tội ăn cắp 5.500 chiếc khẩu trang khỏi một cửa hàng nhỏ ở Vịnh Causeway hôm 14/2. Quan tòa nhắc nhở bị cáo: "Thời điểm khó khăn này là lúc để giúp đỡ, thay vì ăn cắp hay lừa gạt".