Kinhtedothi - UNHCR - Cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết, những ngày qua là những ngày “chết chóc” kể từ tháng 4/2015, khi hơn 700 người di cư được cho là đã thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải chỉ trong vòng một tuần.
Những người di cư trong vụ lật thuyền cuối tuần trước trên biển Địa Trung Hải.
Hơn 700 người được cho là đã thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong 7 ngày đẫm máu nhất đối với người di cư đến châu Âu trong hơn một năm qua. Các vụ thiệt mạng liên tiếp xảy ra trong 3 ngày từ 25 - 27/5, sau khi hơn 13.000 người đã vượt biển Địa Trung Hải từ Libya đến Italia chỉ trong vòng 8 ngày. Người phát ngôn của UNHCR cho biết, đây chắc chắn là số lượng thương vong cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Đội cứu hộ hôm 29/5 cũng mô tả một thảm họa nhân đạo khủng khiếp ngay trước mắt khi lực lượng này chứng kiến một vụ lật thuyền. "Trước mắt tôi là cảnh tượng rất khủng khiếp” - cô Giorgia Linardi, một thành viên của đội cứu hộ Sea Watch (Đức) cho biết. Nhiều người đã thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, một số khác thì chới với giữa sự sống và cái chết, cô nói thêm. Thảm họa này cho thấy, bất chấp các nỗ lực ngăn cản nạn buôn người ở vùng nam Địa Trung Hải, dòng người di cư từ Libya tới Italia vẫn tiếp tục gia tăng. Con số tương tự với cùng kỳ năm ngoái: 46.000 người đã tới Italia trong 5 tháng đầu năm 2016. Đại diện Sea Watch, một trong những tổ chức phi chính phủ cứu hộ người bị nạn ở phía Nam Địa Trung Hải cho biết, thảm họa này một phần là do châu Âu không thể xây dựng một kế hoạch tìm kiếm và cứu hộ rõ ràng. Theo cô Linardi, EU chỉ thiết lập nhiệm vụ chống buôn người của hải quân nhưng không quy định rõ chức năng cứu hộ của lực lượng này. “Họ chỉ tiến hành cứu hộ khi cần thiết. Và kết quả là quá nhiều người đã thiệt mạng” - cô Linardi chỉ trích. Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vừa có hiệu lực hồi tháng 3 cũng bắt đầu bộc lộ các hạn chế, khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả cũng như tính nhân đạo của thỏa thuận này. Vừa qua, một báo cáo của tổ chức quan sát cho biết, tình hình nhân đạo ở các trại tập trung của người di cư ở Hy Lạp là rất tồi tệ. Hơn 50.000 người đã bị mắc kẹt kể từ khi đóng cửa biên giới của Macedonia, đang phải sống trong tình cảnh thiếu thốn mọi điều kiện sinh hoạt, trái ngược hoàn toàn với các cam kết trước đó. Tại Athens, hàng chục người tị nạn đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng các suất ăn do chính phủ cung cấp. Trên hòn đảo Hy Lạp, hơn 40 người Syria đang tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ. Một nhà hoạt động của Anh cho biết, điều kiện sống của những người di cư là rất khủng khiếp: họ ở trong các nhà máy bỏ hoang, bẩn thỉu và chịu cảnh lũ lụt. Mỗi người chỉ nhận được một phần thức ăn hàng ngày. Như vậy, điều tồi tệ nhất đã xảy ra, cuộc khủng hoảng di cư đã trở thành một trong những thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Số người thiệt mạng ngày càng tăng lên, những người may mắn sống sót cũng phải chịu cảnh khốn khó. Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo vẫn bế tắc trong cách giải quyết. Các thỏa thuận được ký kết nhưng tất cả chỉ dừng lại trên giấy, số phận của những người di cư đến nay vẫn không có bất kỳ một sự đảm bảo nào.