Khủng hoảng Hy Lạp và bài học nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố không thể trả khoản nợ đáo hạn trị giá 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khiến nền kinh tế Hy Lạp đứng trước bờ vực.

Khủng hoảng Hy Lạp và bài học nợ công - Ảnh 1Quá trình đàm phán giữa Athens và các chủ nợ vẫn đang tiếp tục và chưa có phương án cuối cùng. Tình hình Hy Lạp ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và chúng ta rút ra được bài học gì từ khủng hoảng tại quốc gia này? Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Linh hoạt với tỷ giá

Tình hình Hy Lạp hiện tại ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Trong một nền kinh tế mà các quốc gia ngày càng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau thì việc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp là không tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là tình hình Hy Lạp ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, mức độ nhiều hay ít tới Việt Nam để có những giải pháp đối phó.

Về tác động trực tiếp, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hy Lạp hiện rất thấp. Có chăng là một vài mặt hàng xuất khẩu sang Hy Lạp hoặc khách du lịch Hy Lạp sang Việt Nam và ngược lại. Chính vì thế, có thể nói, kinh tế Hy Lạp khủng hoảng chưa có tác động trực tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên, nó sẽ có tác động gián tiếp qua các thể chế tiền tệ. Hiện, đồng tiền giao dịch phổ biến tại Hy Lạp là đồng Euro. Khủng hoảng tại Hy Lạp sẽ khiến đồng tiền này giảm giá, do đó, tất cả các tài sản của Việt Nam trên đồng tiền này như tài sản bằng Euro của các ngân hàng hay việc Chính phủ giữ trái phiếu nước ngoài bằng Euro… cũng sẽ bị giảm xuống. Nhưng ngược lại, khi Euro giảm giá, các khoản nợ của Việt Nam với các đối tác nước ngoài cũng sẽ giảm. Khủng hoảng Hy Lạp cũng kéo theo việc đồng USD tăng giá. Khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, mất lợi thế cạnh tranh khi tỷ giá VND/USD vẫn bị neo cao. Bên cạnh đó, tình hình Hy Lạp cũng tác động đến thị trường tài chính châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tế, đầu tuần này, thị trường chứng khoán châu Á đã giảm giá mạnh…

Ông dự báo những kịch bản nào cho Hy Lạp thời gian tới? Và tác động tới Việt Nam ở mức độ nào?

- Hiện tại, Hy Lạp và các chủ nợ đang trong quá trình đàm phán nên chưa thể dự báo rõ ràng về kịch bản cho Hy Lạp. Tuy nhiên, theo nhận định của cá nhân tôi, tình hình Hy Lạp vẫn sẽ đi theo chiều hướng xấu.

Có 2 kịch bản có thể dự báo cho Hy Lạp. Với kịch bản nước này đàm phán được với các chủ nợ, thì tình hình Hy Lạp vẫn không khả quan hơn. Một chính sách thắt lưng buộc bụng như cắt giảm lương hưu, chi tiêu công, phúc lợi xã hội…

Còn kịch bản xấu nhất là hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và rơi vào bế tắc. Điều này sẽ gây những tác động khó lường với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Đồng Euro mất giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Xu hướng giá USD tăng và Euro giảm đã nhìn thấy rõ ràng trong thời gian tới. Vậy, điều hành chính sách tỷ giá nên đi theo hướng nào để vừa hỗ trợ xuất khẩu mà không ảnh hưởng đến lạm phát, thưa ông?

- Tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt với tỷ giá. Vì khi Euro giảm giá, USD tăng mà cứ neo tỷ giá theo đúng mục tiêu 2% trong năm 2015 là không phù hợp. Nội tệ tăng giá thì xuất khẩu sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, cần linh hoạt tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Đừng đầu tư vào vàng

Khi kinh tế khủng hoảng, vàng sẽ trở thành nơi trú ẩn. Với tình hình Hy Lạp hiện tại, giá vàng liệu có tăng không, thưa ông?

- Tình hình Hy Lạp chắc chắn ảnh hưởng tới giá vàng. Trong trường hợp Hy Lạp phá sản, rời khỏi Eurozone và đồng Euro lao dốc, có thể người dân sẽ coi kênh đầu tư vàng là nơi trú ẩn. Tuy nhiên, giá vàng cũng có thể không tăng vì việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone có thể là một tín hiệu tích cực vì Eurozone sẽ buông được một gánh nặng trên vai. Và vàng chưa chắc đã tăng giá. Theo quan điểm cá nhân tôi, trong lúc này chưa nên đầu tư vào vàng. Sẽ còn rất nhiều biến động nữa. Vì thế, đừng động tới vàng.

Từ tình hình Hy Lạp, Việt Nam nên rút ra cho mình bài học gì, thưa ông?

- Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình hình Hy Lạp hiện tại là do nước này quá chủ quan với nợ công. Đây là bài học lớn cho Việt Nam. Qua chuyện Hy Lạp, Việt Nam cũng cần phải chủ động có các giải pháp để ứng phó với nợ công, chứ không chủ quan, lạc quan với nợ công. Hiện nay, nợ công của Việt Nam vẫn ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, cách phân loại nợ đã theo chuẩn quốc tế chưa, báo cáo đã chính xác chưa… rất cần được quan tâm để có những đánh giá chính xác và phương án ứng phó phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần