Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng lương thực: Nguy cơ và giải pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Viện Chính sách Trái Đất (Earth Policy Institute-EPI), một tổ chức phi lợi nhuận vừa cho biết cuộc khủng hoảng lương thực đã bắt đầu lộ diện từ đầu năm 2011.

KTĐT - Viện Chính sách Trái Đất (Earth Policy Institute-EPI), một tổ chức phi lợi nhuận vừa cho biết cuộc khủng hoảng lương thực đã bắt đầu lộ diện từ đầu năm 2011.

 

Tại Mỹ, giá thực phẩm cũng tăng cao do đồng USD mất giá, đình công tại Argentina làm ảnh hưởng nguồn cung và vùng băng tuyết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa nông nghiệp chủ yếu của nước này tại miền Bắc. Giá đường tại Bolivia đã tăng 40% và buộc người dân phải xếp hàng từ 2 giờ đêm để mua được vài cân đường. Tại Anh, giá thực phẩm trong tháng 1 đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, gây thêm áp lực đối với các hãng bán lẻ. Trong khi đó, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng liên tục trong 7 tháng qua, đặc biệt chỉ số giá của 55 mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, ngũ cốc, đường,… trong tháng 1/2011 đã lên tới gần 231 điểm so với 224 điểm của tháng 6/2008-thời điểm căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008.


Trong bối cảnh thị trường nông sản thế giới vẫn bị ảnh hưởng từ các thảm họa thiên tai như lũ lụt, hạn hán,… tại nhiều nơi trong năm 2010 thì lũ lụt và cháy rừng tại Australia, băng tuyết tại các vùng nông nghiệp của châu Âu,… đã góp phần "đổ thêm dầu vào lửa" và đẩy giá các mặt hàng lương thực tăng cao kỷ lục. Hạn hán kéo dài tại Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới sản lượng của nước này gây ảnh hưởng nguồn cung cho thị trường thế giới đồng thời buộc Bắc Kinh phải tăng cường nhập khẩu từ đó đẩy giá lúa mì tăng cao.

 

Những diễn biến bất lợi trên khiến nhiều nước châu Á đã quyết định đẩy mạnh mua dự trữ, báo hiệu một cuộc chạy đua mới trên thị trường lương thực. Hôm 9/2, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa yêu cầu cơ quan hậu cần nước này phải nhập khẩu ít nhất 3,5 triệu tấn gạo để tăng lượng dự trữ và cân bằng hoạt động trên thị trường. Nhiều khả năng, phải vài tuần tới, giá gạo mới giảm khi Việt Nam và Thái Lan bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ hai nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới có thể giảm nguồn cung để giảm bớt áp lực tăng giá thực phẩm trong nước.

 

Để ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực, EPI đã đề xuất những biện pháp tiết kiệm lương thực, bảo vệ nguồn nước và giảm bớt tiến trình đô thị hóa để đảm bảo diện tích canh tác. Trong "Tuần lễ xanh" vừa diễn ra tại Đức, chuyên gia Matthias Meissner của WWF cũng nhấn mạnh: "Điều cần thiết mà chúng ta cần phải làm đầu tiên là bịt kín ngay lập tức các lỗ hổng gây thất thoát sản phẩm trong hệ thống lương thực". Theo WWF dự kiến việc tiết kiệm lương thực sẽ giúp nuôi sống thêm khoảng 3 tỷ người vào năm 2050, mà không cần hủy hoại hệ sinh thái.