Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khung pháp lý cho Condotel 10 năm vẫn loay hoay

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã phát triển ở Việt Nam được 10 năm nay nhưng câu chuyện xoay quanh đến pháp lý của sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel) chưa khi nào hết “nóng”. Sau sự cố "vỡ trận" của dự án Cocobay Đà Nẵng, câu chuyện về pháp lý cho condotel phát triển bền vững lại trở nên cấp thiết.

Condotel là sản phẩm của kinh tế chia sẻ.
Xu hướng mới từ kinh tế chia sẻ
Bất động sản (BĐS) condotel được du nhập vào Việt Nam vào năm 2009 nhưng phát triển mạnh nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, với hàng vạn sản phẩm đã được đưa vào thị trường. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, đầu tư kinh doanh condotel là một hình thức của kinh tế chia sẻ, vì thực tế sản phẩm condotel có rất nhiều tiện ích, có thể sử dụng làm chỗ ở, làm căn nhà để nghỉ dưỡng hay kinh doanh lưu trú ngắn hạn, dài hạn để kiếm lợi nhuận...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh, trong đó có condotel. Cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý, giao Bộ Xây dựng hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến condotel và các quy chế liên quan đến việc vận hành condotel và tiến tới sửa đổi hệ thống pháp luật. Đồng thời giao Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất và cấp quyền sử dụng đất đối với condotel. Tất cả những văn bản này yêu cầu phải xong trong tháng 12/2019 để tạo hành lang pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc condotel ra đời giúp cho các sản phẩm lưu trú trên thị trường trở nên đa dạng hơn. “Condotel là hình thức có lợi rất nhiều trong kinh doanh, không gian, chi phí rất phù hợp cho một kỳ nghỉ, hệ số sử dụng đất cao, khả năng thu hút vốn đầu tư cũng rất nhanh” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho hay.
Đánh giá một cách khách quan, condotel là sự kết hợp quan trọng của 3 thị trường: BĐS, tài chính và du lịch. Sản phẩm này là mô hình kinh doanh mới của các nhà phát triển BĐS, khi kết hợp chức năng hai trong một (căn hộ và phòng khách sạn). Thạc sĩ – Kỹ sư Đoàn Trọng Hiếu (Hội Công nghệ thông tin và Phần mềm Việt Nam) cho biết, bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ đã nở rộ nhanh chóng và thu hút được nhiều sự quan tâm từ người dân. Kinh tế chia sẻ là một hệ thống mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân. “Trước xu thế của thời đại, trong lĩnh vực BĐS khi sản phẩm của kinh tế chia sẻ ra đời đã nhận được sự chào đón của đông đảo người dân” – ông Đoàn Trọng Hiếu nói.
Đề xuất cấp sổ đỏ cho condotel
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, từ năm 2014 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án condotel đã thực hiện phương thức huy động vốn, bán sản phẩm hình thành trong tương lai cho khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp nhằm tranh thủ đạt ngay “3 nhanh”: Bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh. Từ đó đã phát sinh “cơn sốt” đầu tư kinh doanh các dự án condotel với nhiều hệ lụy cho đến nay cần phải được chấn chỉnh để phát triển bền vững. “Chủ đầu tư bán condotel hình thành trong tương lai cho khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp. Trong lúc Luật Kinh doanh BĐS lại có lỗ hổng bởi luật chỉ quy định chặt chẽ các điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng lại không quy định chặt các điều kiện bán các loại BĐS khác hình thành trong tương lai, trong đó có condotel” – ông Lê Hoàng Châu nói.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, để đảm bảo cho việc kinh doanh condotel, HoREA đề nghị xây dựng quy định về “đất du lịch” trong Luật Đất đai. Để đảm bảo tính pháp lý và không gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình hoạt động, các bộ, ngành chuyên môn tham mưu cho Chính phủ phương thức tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt các dự án condotel. Đồng thời xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, các quy định liên quan đến căn hộ du lịch... “HoREA đề xuất cấp “sổ đỏ” có thời hạn theo thời hạn của dự án cho khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp, theo phương án sử dụng đất du lịch có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm), trong đó có đất du lịch dùng để phát triển condotel” – ông Châu cho biết thêm.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hành lang pháp lý của hình condotel còn vướng mắc. Thứ nhất, hiện nay chỉ Luật Du lịch có quy định về cơ sở lưu trú du lịch, bao gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Các pháp luật có liên quan như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai chưa có định danh của mặt hàng này. Thứ hai là vấn đề kèm theo việc cấp giấy chứng nhận sở hữu loại hình này cũng chưa có. Thứ ba là quy định về vận hành, quản lý condotel trong các luật BĐS cũng chưa được rõ. Thứ tư là trên thị trường xuất hiện những cam kết của nhà đầu tư đầu tiên lẫn nhà đầu tư thứ cấp, trong đó liên quan đến vấn đề lợi nhuận, dẫn đến việc không đủ khả năng chi trả, mất cân đối thị trường.

Mô hình kinh doanh BĐS condotel vẫn nên phát triển ở Việt Nam, sẽ giúp cho ngành du lịch được mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ, tăng tính cạnh tranh và từ đó cũng sẽ thu hút được nhiều du khách hơn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là một khung pháp lý hoàn chỉnh cho sản phẩm này được phát triển một cách bền vững.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Trần Quốc Việt