Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức cuộc họp về nghiên cứu các phương án phát triển đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc - Nam.

Các chuyên gia đều thống nhất phương án xây dựng theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các đoạn ưu tiên nhằm đảm bảo về tiến độ cũng như chất lượng công trình.

Thu ngắn chiều dài, mở rộng đường ray

Theo ông Iwata Shizuo, Trưởng đoàn Nghiên cứu JICA, phương án hợp lý nhất để xây dựng ĐSCT Bắc - Nam là rút ngắn chiều dài tuyến đường sắt, cải tạo, mở rộng hệ thống đường ray đang có, đáp ứng yêu cầu của ĐSCT. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống đường đôi tại những khu vực có mật độ phương tiện đông. Theo phương án đề xuất của JICA, ĐSCT Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.570km (hiện trên 1.700km) chạy đường đôi khổ 1.435mm (hiện tại 1.000mm); hướng tuyến thiết kế thẳng để tàu cao tốc đạt vận tốc tối đa 350km/giờ… Thời gian tàu chạy giữa Hà Nội - TP. HCM rút ngắn chỉ còn 5 giờ 40 phút (chỉ dừng lại ở 6 ga ưu tiên).

Ông Iwata Shizuo cho biết, chi phí xây dựng một tuyến ĐSCT rất lớn. Do đó, để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của công trình, phương án xây dựng thực hiện theo từng giai đoạn. Theo kịch bản phát triển đường sắt Bắc - Nam, hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM cần phải xây dựng hệ thống đường đôi. Sau khi đi vào hoạt động ĐSCT sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội - Vinh (dự kiến 1,1 giờ) và TP. HCM - Nha Trang (dự kiến 1,3 giờ), giảm áp lực lưu lượng giao thông cho các loại hình khác (đường bộ, đường không), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT - XH ở các tỉnh, thành phố dọc tuyến.

Ga Ngọc Hồi, điểm đầu ĐSCT Bắc - Nam

Ngoài những đề xuất về quy hoạch, phương án xây dựng, cách thức xây dựng, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là vị trí đặt ga ĐSCT tại Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: "Chọn ga Ngọc Hồi vì vị trí đó phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ga chỉ cách đường Vành đai 4 hơn 1km, rất gần với đường Vành đai 3,5 và Quốc lộ 1 cũ".

Về phương án xây dựng ĐSCT, đặc biệt là đoạn Hà Nội - Vinh, ông Minh ủng hộ ý kiến của đại diện của JICA. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, JICA, Đường sắt Việt Nam cần phải làm việc một cách chi tiết với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để xác định hướng tuyến khớp nối được với các loại hình vận tải khác và tránh các dự án, công trình nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Đại diện Sở QHKT Hà Nội cho rằng, việc JICA đề xuất lấy ga Ngọc Hồi là điểm đầu của ĐSCT Bắc - Nam là hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bởi nếu chọn ga Hà Nội làm điểm đầu sẽ gây tốn kém. Nếu làm đường ray trên cao, TP Hà Nội sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí để GPMB. Nếu xây dựng đường sắt ngầm, kinh phí bỏ ra cũng không hề kém với phương án xây dựng đường sắt trên cao.

Bên cạnh việc đồng tình xây ĐSCT, còn nhiều ý kiến cho rằng nguồn vốn đầu tư quá lớn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của Chính phủ và các địa phương, nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ làm xáo trộn tình hình KT - XH. Về vấn đề này, ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, gần đây, Chính phủ đưa ra quan điểm khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia vào xây dựng, kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt. Do đó, sau khi có kết quả nghiên cứu tổng thể và các cơ quan tư vấn chỉ ra phương án, cách thức đầu tư có hiệu quả đường sắt, có lẽ nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia xây dựng đường sắt trên hành lang đường sắt Bắc - Nam.

Toàn tuyến ĐSCT dự kiến đầu tư 26 nhà ga, qua 20 tỉnh, thành (trung bình 63km có 1 ga). Vị trí các nhà ga được dự kiến xây dựng sẽ nằm tại các đô thị phát triển, tạo thuận tiện trong việc đi lại cho số đông người dân thành thị… Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 38 tỷ USD (không bao gồm đầu máy, toa xe, chi phí dự phòng và thuế). Dự kiến, ĐSCT sẽ được xây dựng từ năm 2020, bắt đầu đưa vào khai thác năm 2030. Theo tính toán, giá vé ĐSCT sẽ đắt gấp đôi vé xe khách nhưng chỉ bằng nửa giá vé máy bay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần