Khuyến nông giúp thay đổi tập quán sản xuất

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các mô hình khuyến nông trồng trọt đã giúp nông dân Hà Nội tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, người nông dân từng bước tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.

Áp dụng mạ khay, cấy máy tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Áp dụng mạ khay, cấy máy tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Nông dân hưởng lợi

Nhằm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ nano trên diện tích 20ha lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá ở xã Thanh Văn và thị trấn Kim Bài của huyện Thanh Oai.

Kết quả cho thấy, khi sử dụng phân bón hữu cơ nano UPLML kết hợp với phân hữu cơ sinh học để bón cho lúa đã giúp giảm 50% lượng phân bón vô cơ, tạo thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, thúc đẩy bộ rễ phát triển, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây. Vụ Xuân cho năng suất đạt từ 62,5 – 63,9 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 8,0 – 9,2 triệu đồng/ha. Vụ Mùa cho năng suất từ 57,8 – 58,3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 14,6 – 15,5 triệu đồng/ha.

Cũng triển khai năm 2022, mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP trên diện tích 12ha tại 3 điểm thuộc huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất được nông dân đánh giá cao. Do cây được cắt tỉa thường xuyên, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật và được bao quả nên đã hạn chế được sâu bệnh, mẫu mã quả đều và đẹp, tỷ lệ quả loại 1 cao; năng suất đạt từ 20 – 25 tấn quả/ha, giá bán 20.000 – 25.000 đồng/quả loại 1 và từ 10.000 – 12.000 đồng quả loại 2, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 16 – 40% so với ngoài mô hình, được nhiều thương lái đến đặt mua.

Trong số các mô hình khuyến nông trồng trọt, không thể không nhắc tới mô hình mạ khay, cấy máy đang được nhân rộng đã phần nào giải phóng sức lao động nặng nhọc cho nông dân Hà Nội. Với quy mô 65.000 khay mạ, cấy máy cho 260ha lúa/2 vụ, chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ, cấy tay truyền thống từ 3,5 – 7,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, áp dụng gieo mạ khay, cấy máy giúp ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, năng suất lúa cao hơn so với cấy theo truyền thống từ 3 – 15%.

Mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định, những mô hình tiêu biểu kể trên là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ khuyến nông Hà Nội. Ngay cả giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, họ vẫn kết nối với người dân thông qua trực tuyến trên thiết bị điện thoại bằng zalo, zoom để chuyển tải thông tin sản xuất, giá thị trường, thời vụ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho kịp thời.

Mục tiêu năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng; phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, Trung tâm tổ chức tập huấn cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất. Những hoạt động này đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, công nghệ cao.

 

Các mô hình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực. Mô hình khuyến nông trình diễn đã bám sát vào định hướng, chương trình trọng điểm của địa phương, phù hợp với điều kiện của các tiểu vùng sinh thái, đáp ứng nhu cầu của nông dân nên được nông dân hưởng ứng và nhân rộng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương