Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến nông Hà Nội tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông dân

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy những kết quả đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục sứ mệnh giúp người nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng nông nghiệp Thủ đô hiện đại, nông thôn Thủ đô văn minh.

Sáng 20/4, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Hà Nội (1993 - 2023).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan khu trưng bày hoạt động khuyến nông, nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Ánh Ngọc 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan khu trưng bày hoạt động khuyến nông, nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Ánh Ngọc 

Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Tham dự còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành TP, các tỉnh, TP bạn. Đặc biệt là sự hiện diện của đông đảo cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội qua các thời kỳ; các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ sản xuất tiêu biểu trên địa bàn TP…

Ở đâu có nông dân ở đó có khuyến nông

Báo cáo tóm tắt tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trải qua 30 năm hoạt động, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành. Đặc biệt, với cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống khuyến nông, công tác khuyến nông của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan khu trưng bày hoạt động khuyến nông, nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Ánh Ngọc 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan khu trưng bày hoạt động khuyến nông, nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Ánh Ngọc 

Tiêu biểu như công tác xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn trong lĩnh vực trồng trọt. Từ khi thành lập đến nay, đã triển khai thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt; trên 360 dạng mô hình khuyến nông chăn nuôi; phát triển các giống thuỷ sản.

Điển hình như mô hình nuôi tôm càng xanh (năng suất bình quân đạt 2.430 kg/ha), mô hình nuôi ếch lồng (năng suất trung bình đạt 12,6kg/m), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năng suất bình quân đạt 15.300 kg/ha)... Qua đó đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với cấy lúa.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ xóa đói, giảm nghèo chuyển sang chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong 30 năm hoạt động cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Trung ương, tỉnh đến cấp cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Công tác khuyến nông của Hà Nội liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết 4 “nhà” trong sản xuất…

Khuyến nông Hà Nội tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông dân  - Ảnh 1
Khuyến nông Hà Nội tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông dân  - Ảnh 2
 

Nhiều sản phẩm nông nghiệp, OCOP tiêu biểu được trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Các trạm khuyến nông phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông. Trình độ năng lực của cán bộ cao, đồng đều, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu về nhiệm vụ cũng như tiếp nhận và triển khai thực hiện được các chương trình, dự án quy mô lớn.

 

Ghi nhận những kết quả, đóng góp của hệ thống khuyến nông Hà Nội trong 30 năm và 20 năm hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 18 cá nhân; Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hương do địa bàn hoạt động rộng khắp 18 huyện, thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, cần phải cân đối phân bổ đều đơn vị trực thuộc hoạt động nên có nhiều mô hình nhỏ lẻ. Cán bộ các trạm khuyến nông còn thiếu cân đối về chuyên môn, ngành nghề đào tạo. Từ đó dẫn đến việc triển khai mô hình trên một số địa bàn gặp khó khăn về cán bộ chỉ đạo.

Tham luận tại hội nghị, một số đại biểu là doanh nghiệp nông nghiệp, Giám đốc hợp tác xã, chủ trang trại đã khẳng định hệ thống khuyến nông Hà Nội là người bạn đồng hành, tin cậy, là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nhà nông. Các đại biểu cũng đề xuất TP có thêm cơ chế, chính sách về khuyến nông nói riêng và nông nghiệp nói chung để từ thực tế triển khai nông dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và làm giàu.

Củng cố hệ thống khuyến nông đi đôi với chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của hệ thống khuyến nông Hà Nội vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên điạ bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Lưu ý thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Thiếu lao động trẻ, có năng lực; thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, toàn ngành nông nghiệp Thủ đô và hệ thống khuyến nông TP nói riêng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao thưởng cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Ánh Ngọc
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao thưởng cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Ánh Ngọc

Trước tiên là củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông TP theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình “Tổ khuyến nông cộng đồng”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác quốc tế, hợp tác công – tư để thu hút, huy động nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm. Đặc biệt cho các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trao thưởng các tập thể, cá nhân. Ảnh: Ánh Ngọc
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trao thưởng các tập thể, cá nhân. Ảnh: Ánh Ngọc

Song song đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; ưu tiên các hoạt động về kinh tế thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng tới sản xuất.

“Tôi tin tưởng rằng, hệ thống Khuyến nông nói riêng và nông nghiệp TP nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17; góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô sinh thái, hiện đại; nông thôn Thủ đô văn minh, giàu đẹp; người nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật và có trình độ cao” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Về những kiến nghị của các đại biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sẽ cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách mà Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng, tham mưu cho UBND TP, dự kiến trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp giữa năm 2023.