Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kì bí giếng nước có cóc ngồi canh không bao giờ cạn

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du khách tới thăm đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) không chỉ bất ngờ với kiến trúc độc đáo ở đây mà còn ngạc nhiên với giếng nhỏ không bao giờ cạn nước, mùa Đông luôn có một con cóc ngồi trên miệng giếng.

 Đền Sái tọa lạc trên núi Sái ngôi đền của Đạo Giáo Thần Tiên thờ Huyền Thiên Thượng Đế Trấn Vũ. 
 Đây là ngọn núi lớn nhất trong bảy ngọn núi thiêng Thất Diệu Sơn (7 ngôi thất tinh), dân gian truyền rằng phong thủy của núi Sái được gọi là "Quy Xà hợp hình".
 Nơi đây vẫn đang lưu giữ được bản gốc tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế  của Đạo Giáo. cũng là nơi có lễ hội rước vua quy mô, độc đáo.
 Theo Ban Quản lý di tích đền Sái: Đền Sái có từ thời nhà Thục An Dương Vương 2.200 năm trước. Ngôi đền có mối quan hệ mật thiết tới thành Cổ Loa và đền Quán Thánh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Bấy giờ, Thục Vương cho đắp thành rộng nghìn trượng hình con ốc nên gọi là Loa Thành để chống trả quân xâm lược Triệu Đà. Thành này cứ xây gần xong lại đổ, vua lấy làm lo ngại nên mới cho quân lập đàn khấn trời đất và thần kỳ sông núi. 
 Thục Vương được thần Kim Quy (Rùa vàng) dẫn lên núi Thất Diệu Sơn trừ diệt gà trắng (Bạch Kê Tinh), nhờ đó, nửa tháng sau đã xây đắp xong thành".
 Vua hỏi về nguyên do thành bị đổ, khi đó Rùa vàng hiện lên và nói rõ: Ấy là do tinh khí núi sông vùng này, nấp ở Thất Diệu Sơn có con gà trống trắng sống nghìn năm đã thành tinh đến quấy phá. 
 Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần coi giữ phương Bắc, từng đầu thai làm con vua nước Tinh Lạc (Trung Quốc).
 Huyền Thiên Trấn Vũ lớn lên bỏ ngôi hoàng tử đến tu luyện trong hang ở Vũ Dương liền trong 42 năm, đã giúp người phương Bắc diệt trừ nhiều quỷ dữ, giúp dân đời Chu chiến thắng thần dịch hạch gây bệnh chết người hàng loạt, được Thượng đế phong là Đại Từ, Đại Bi, cuối cùng được phong là Huyền Thiên Trấn Vũ.
 Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại ấy đã phản ánh thời kỳ lịch sử dựng nước của dân tộc. Thời kỳ mà vua quan đồng lòng, nhân dân cùng chung sức chống lại thiên tai, địch họa.
 Từ xa xưa, đền Sái được coi là một đền thờ linh thiêng ứng nghiệm. Nhiều thời vua, chúa và các quan triều thần thường về đây bái yết, cầu xin đức thánh phù hộ thắng trận. 
 Ngày nay, cứ mùa xuân đến (11 tháng Giêng Âm lịch) hàng vạn lượt nhân dân khắp mọi vùng cũng đến đền làm lễ cầu lộc, cầu tài, cầu bình yên. 
 Hiện Thất Diệu Sơn còn in lại nhiều dấu xưa, trong đó có giếng tiên, ao tiên, dấu tiên chân ngựa và cảnh trí thiên nhiên tuyệt mỹ do trời đất tự sinh.
 Theo sử sách ghi lại, năm Thuận Thiên thứ hai 1011, vua Lý Công Uẩn, sau khi dời đô Hoa Lư về Thăng Long đã tìm về đền Sái. Vua Lý rất giỏi chữ Hán, phong thủy, ông biết được phương Bắc có ngôi chùa thờ quan Trấn Vũ rất linh thiêng. Vì thế, vua đã lên đền Sái làm lễ rước cờ hiệu, đưa đức Huyền Vũ về kinh đô Thăng Long. Cũng năm đó, vua Lý Công Uẩn cho người xây đền thờ Quán Thánh bên Hồ Tây, thuận lợi cho việc làm lễ thờ cúng. Hiện đền Sái vẫn còn lệnh bài của vua Lý Công Uẩn. 
 Người dân xã Thụy Lâm cho rằng, giếng cô Tiên không bao giờ cạn nước vì mùa Đông luôn có 1 con cóc ngồi trên miệng giếng để canh không cho giếng cạn nước.
 Đặc biệt, trong quần thể đền Sái có một khối đá bên trên có giếng nhỏ. Điều đặc biệt là chiếc giếng tuy chỉ bằng một vũng nước nhưng có từ lâu đời và được gọi là giếng cô Tiên. Giếng này liên quan tới câu chuyện truyền thuyết của những nàng tiên xưa kia giáng trần giúp đỡ An Dương Vương xây thành ốc. Điều lạ kỳ là chiếc giếng này nhỏ, nhưng lại nằm trên một khối đá, giếng quanh năm có nước. 
 Ông Đỗ Xuân Thắng - Ban Quản lý di tích đền Sái cho biết: "Các cụ cao niên cho biết, giếng nước này không bao giờ cạn. Theo ghi nhận của tôi suốt thời gian làm việc ở đây, dù là mùa Đông, chưa bao giờ giếng hết nước. Đặc biệt, mùa Đông luôn luôn có 1 con cóc ngồi trên miệng giếng. Rất nhiều du khách lên núi Sài vãn cảnh thích uống ở giếng này".
 Với kiến trúc, cảnh quan tuyệt đẹp gắn liền với nhiều truyền thuyết, sự kiện lịch sử của đất nước, ngày càng có nhiều người dân và du khách đến với đền Sái.