Lần thứ hai, Quốc hội Anh đã bác bỏ đề nghị của thủ tướng Anh Boris Johnson về tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào giữa tháng 10 này, tức là chỉ khoảng 2 tuần trước thời điểm được thoả thuận giữa Anh và EU làm thời điểm muộn nhất cho việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Nhưng đấy cũng là quyết định cuối cùng của Quốc hội Anh trước khi bị buộc phải ngừng hoạt động 5 tuần theo đề đạt của ông Johnson và đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chấp thuận.
Ngày 9/9 vừa qua cũng đồng thời còn là thời điểm bắt đầu có hiệu lực của bộ luật mới buộc ông Johnson phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian thực hiện Brexit cho tới ngày 31/1/2020 nếu như đến ngày 19/10 này Chính phủ của ông Johnson không đạt được với EU thoả thuận mới về Brexit. Như thế có nghĩa là các vị dân biểu Anh đã bác bỏ hoàn toàn kịch bản Brexit vào ngày 31/10 tới mà không đạt được thoả thuận nào với EU.
Trong khi ấy, ông Johnson lại kiên định quan điểm là sẽ thực hiện Brexit bằng mọi giá chậm nhất tới ngày 31/10 này, tức là không để nghị EU gia hạn thời gian bất kể đạt được hay không đạt được thoả thuận mới với EU về Brexit. Ông Johnson đã đề nghị EU đàm phán lại về Brexit, nhưng thừa biết rằng EU sẽ không sẵn sàng đáp ứng những điều kiện và đòi hỏi mới ở phía Anh. Vì thế, người này chủ trương tiến hành bầu cử quốc hội mới để được tiếng là không cam kết một đằng, làm một nẻo trong việc thực hiện Brexit.
Bây giờ, những kịch bản Brexit có thể xảy ra tiếp theo đây là ông Johnson cứ thực hiện Brexit vào ngày 31/10 tới mà không có thoả thuận gì với EU, như thế không bị coi là không giữ lời hứa, nhưng bị coi là trái luật và chắc chắn sẽ bị không ít dân biểu kiện tụng trước toà. Kịch bản khác là ông Johnson chấp nhận bị coi là thất hứa để xin EU gia hạn thêm thời gian thực hiện Brexit. Một kịch bản khác là ông Johnson từ chức, phe đối lập sẽ nhất trí đề cử thủ tướng tạm quyền, thủ tướng này đề nghị EU gia hạn thời gian xử lý Brexit và nước Anh sẽ có tổng tuyển cử mới sớm.
Kịch bản nào cũng đều có thể xảy ra và cũng đều chẳng hay ho gì đối với nước Anh.