Không thể lơi là
Khuya ngày 21/2, tại Km 235+100 trên QL6 đoạn qua huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe đầu kéo 36C - 095.93 kéo theo sơ mi rơ moóc 36R - 004.73 và xe khách 26F - 009.08 làm 6 người chết, 9 người bị thương.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe đầu kéo sẽ hết hạn kiểm định vào tháng 7 tới, còn sơ mi rơ moóc phía sau đã hết hạn kiểm định gần 1 tháng.
Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, kết quả khám nghiệm sơ bộ xác định, nguyên nhân xảy ra tai nạn do trời mưa, mặt đường trơn ướt, người điều khiển xe khách không làm chủ tốc độ nên khi vào cua, nửa thân xe phía sau bị văng sang làn đường ngược chiều va chạm với xe đầu kéo.

Trước đó, ngày 8/2, trên QL1, đoạn qua thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xe khách 50H - 355.47 lật nghiêng làm 3 người chết, 27 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn do xe khách thiếu quan sát tự tông vào dải phân cách.
Từ những vụ tai nạn nghiêm trọng nêu trên cho thấy, công tác quản lý vận tải hiện nay vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến tồn tại những yếu tố đe dọa an toàn giao thông đối với người và phương tiện trên đường.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức của một bộ phận lái xe còn yếu kém, bên cạnh đó, DN vận tải cũng chưa sát sao trong việc đào tạo và giám sát hoạt động của đội ngũ lái xe; lơi là trong công tác kiểm định bảo dưỡng phương tiện. Do đó, bên cạnh xử phạt vi phạm thì việc kiểm soát chặt hoạt động vận tải đường bộ tại các DN là yêu cầu bức thiết được đặt ra nhằm kiểm soát sớm những nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên đường.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của không chỉ DN mà còn với cả cơ quan quản lý Nhà nước ngành GTVT ở mỗi địa phương. Trong đó, cần thiết phải siết chặt quản lý hoạt động vận tải bao gồm: quản lý chặt hoạt động của phương tiện và người lái; tăng cường tuyên truyền, giáo dục liên tục về trật tự, ATGT. Đồng thời, tiếp tục làm rõ trách nhiệm, xử lý đích đáng những DN buông lỏng công tác đảm bảo ATGT để răn đe, cảnh tỉnh các DN vận tải.
Giải quyết vấn đề từ gốc rễ
Nhằm kịp thời khắc phục hậu quả những vụ tai nạn nêu trên và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 12/CĐ-TTg và Công điện 18/CĐ-TTg yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô. Đặc biệt là xe chở người và xe chở hàng khối lượng lớn.
Rà soát hệ thống thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về thời gian làm việc của người lái xe.

Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, tổ chức giao thông hợp lý, khoa học trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc để sớm khắc phục hạn chế (nếu có). Đặc biệt lưu ý tăng cường tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có điều kiện giao thông phức tạp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tăng cường tuyên truyền về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông tại các địa phương miền núi đường đèo dốc, trong điều kiện thời tiết hạn chế, đường trơn trượt.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, để kiềm chế tai nạn, bên cạnh việc lực lượng chức năng cần thực hiện các chiến dịch tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là ở những khu vực có mật độ giao thông cao hoặc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thì cần phải có một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục và chiến dịch truyền thông với cộng đồng và người lái xe về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ giao thông.
Cơ quan đăng kiểm cần cải thiện công tác kiểm tra đăng kiểm với phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ, hỏng hóc có nguy cơ gây tai nạn cao. Rà soát để phối hợp với lực lượng công an xử phạt nghiêm với các trường hợp điều khiển xe hết đăng kiểm cố tình lưu thông trên đường.
DN vận tải, người lái xe cần tự giác kiểm tra và duy trì tình trạng kỹ thuật của xe ở trạng thái tốt nhất; kiểm tra sức khỏe lái xe trước mỗi hành trình; tăng cường vai trò của bộ phận an toàn giao thông trong DN vận tải thông qua việc giám sát camera hành trình lắp đặt trên xe, cảnh báo, nhắc nhở tài xế thậm chí có hình thức kỉ luật tài xế vi phạm các quy định giao thông khi điều khiển phương tiện.
Đối với các DN vận tải, người lái xe cố tình vi phạm quy định giao thông, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt thật nặng, thậm chí tước bằng lái, thu hồi phù hiệu vận tải để răn đe, cảnh tỉnh.
Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, từ ngày 15/2 đến xuyên suốt năm 2025, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhằm góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng. Qua đó, tạo dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh trên cả nước.