Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi tại bệnh viện

Kinhtedothi – Dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước. Số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025 so với năm 2024; đã có một số trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh được triển khai, trong đó kiểm soát lây nhiễm chéo tại bệnh viện (BV) là yếu tố then chốt.

Gia tăng trẻ mắc sởi nhập viện, nhiều ca thở máy

Tại BV Nhi T.Ư, tính từ năm 2024 đến hết tháng 3 năm 2025 đã có 3.799 xét nghiệm sởi dương tính. Trong đó, có 2.690 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Trong 2 năm 2024 - 2025, BV Nhi T.Ư ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó có những bệnh nhi mắc trên các bệnh lý phức tạp như viêm phổi, đẻ non, rối loạn chuyển hóa, teo đường mật, viêm màng não...

Từ đầu năm đến nay, BV Nhi T.Ư tiếp nhận và điều trị cho 2.000 trẻ mắc sởi, trong đó, có gần 50 trẻ thở máy và có 14 trẻ lọc máu, 1 trẻ thở ECMO.

Nhiều ca sởi nặng nhập viện. Ảnh: BVCC

Đáng nói, có đến 60% số ca mắc sởi đến BV Nhi T.Ư chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng. Hiện trung bình mỗi ngày, BV khám, sàng lọc cho khoảng từ 70 - 90 ca mắc sởi, có ngày cao điểm hơn 100 bệnh nhân.

Chia sẻ về 3 ca sởi điển hình với những biến chứng nặng, TS Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư cho biết, ca bệnh thứ nhất là bệnh nhi nữ 7 tuổi, có tiền sử viêm phổi thùy lúc 9 tháng tuổi; bị ban nhiễm trùng lúc 4 tuổi. Trẻ chưa tiêm phòng sởi. Trẻ được chẩn đoán mắc sởi do bạn học cùng lớp mắc sởi.

Trẻ khởi phát sốt cao 39°c, sốt nóng, từng cơn, kèm theo nôn nhiều, đại tiện phân lỏng 3-4 lần. Bệnh nhi khám ở phòng khám tư ghi nhận mắt đỏ, có hạt Koplik, được chẩn đoán mắc sởi, điều trị tại nhà 4 ngày.

Đến ngày thứ 5, trẻ sốt cao liên tục, phát ban đỏ rải rác toàn thân, mặt, ho nhiều, khó thở. Trẻ được nhập viện huyện, điều trị viêm phổi, sởi 2 ngày. Tuy nhiên, sang ngày thứ 7, tình trạng trẻ khó thở tăng lên, được chuyển đến BV Nhi T.Ư. Tại đây, trẻ được chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi nặng.

Từ tháng 1/2025 đến nay, BV Nhi T.Ư tiếp nhận và điều trị cho khoảng 2.000 trẻ mắc sởi. Ảnh: BVCC

Trong 24 giờ đầu nhập viện, bệnh nhân diễn biến nặng, suy hô hấp tiến triển nhanh, sốc nhiễm trùng, phải đặt nội khí quản thở máy, lọc máu và điều trị tích cực. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, được rút khỏi máy thở.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi nữ 4 tuổi, có tiền sử viêm phổi nhiều lần, chưa được tiêm phòng sởi. Bệnh khởi phát ngày 10/3, phát ban (ngày 15/3). Trẻ có dấu hiệu khó thở nhiều, được gia đình đưa vào BV Nhi T.Ư điều trị ngày 17/3. Tại đây, tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh, suy hô hấp nặng, phải thở máy ngay từ khi nhập viện. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong sau 12 giờ điều trị.

Ca bệnh thứ 3 là trường hợp điển hình biến chứng thần kinh trung ương do sởi. Đó là bệnh nhi nữ 21 tháng tuổi, có tiền sử viêm da cơ địa, chưa được tiêm phòng sởi. Khi vào viện, bệnh nhi được chẩn đoán viêm não sau nhiễm sởi cấp tính, được điều trị tích cực và đáp ứng tốt, tình trạng lâm sàng cải thiện sau 3 ngày.

Kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo

Đề cập đến các biến chứng của sởi, TS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư quan ngại, sởi biến chứng lên thần kinh trung ương đáng lo ngại nhất, bao gồm viêm não lan tỏa cấp tính và viêm não xơ cứng bán cấp. Các biến chứng này có thể xảy ra trong giai đoạn cấp tính hoặc lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiên lượng của bệnh nhân. Đợt này, BV ghi nhận 2-3 trường hợp mắc sởi có biểu hiện biến chứng thần kinh.

TS Phan Hữu Phúc lưu ý, trường hợp sởi nặng thường đi kèm với đồng nhiễm vi sinh khiến trầm trọng thêm diễn tiến lâm sàng và ảnh hưởng đến chiến lược điều trị. Việc xác định và kiểm soát các tác nhân đồng nhiễm, đặc biệt, nhiễm khuẩn BV đóng vai trò quan trọng.

TS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt nhiễm khuẩn BV sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường. Ảnh: BVCC

Tại BV Nhi T.Ư, mỗi ngày có 4.000 – 5.000 bệnh nhi tới khám, thời gian gần đây, mỗi ngày BV có khoảng 1.900 - hơn 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân nhiễm trùng, nhiễm trùng đường hô hấp chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong đó có nhóm những trẻ mắc các bệnh không lây nhiễm, bệnh nền, bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu không kiểm soát tốt nhiễm khuẩn BV sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường.

“Rút ra bài học kinh nghiệm từ đợt dịch sởi năm 2014, đó là tình trạng lây nhiễm sởi trong BV. Vì vậy, ngay từ tháng 8/2024, BV Nhi T.Ư tiếp nhận và điều trị rải rác các ca sởi của các tuyến chuyển đến, đơn vị đã có kế hoạch kiểm soát dự phòng và chú trọng tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. ” - TS Phan Hữu Phúc nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề dự phòng và kiểm soát phơi nhiễm sởi trong BV, TS Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi T.Ư cho hay, để ứng phó với dịch sởi, ngay từ năm 2024, BV Nhi T.Ư đã báo cáo, cập nhật tình hình ghi nhận ca bệnh sởi đến Bộ Y tế và các cơ sở y tế liên quan. BV cũng xây dựng kế hoạch ứng phó với tình hình ca bệnh gia tăng; tiếp nhận, phân luồng, khám sàng lọc người bệnh sởi; chỉ định xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên phù hợp...

Bên cạnh đó, BV cũng rà soát tiêu chuẩn nhập viện; chăm sóc và điều trị người bệnh theo đúng phác đồ, phát hiện sớm biến chứng, các dấu hiệu chuyển nặng, can thiệp y tế và hỗ trợ điều trị kịp thời (IVIG, lọc máu, ECMO, thở máy…). Ngoài ra, BV triển khai tư vấn và tiêm vaccine chủ động cho người bệnh khám và điều trị tại đơn vị; phân loại, quản lý nguy cơ ở người bệnh phơi nhiễm sởi...

Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm việc cách ly ca bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo trong BV. Ảnh: BVCC

“Nhờ có sự chủ động và kịp thời ứng phó trước diễn biến của bệnh sởi, tuân thủ tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, vì vậy, tỷ lệ lây nhiễm chéo trong BV rất thấp. Tỷ lệ tử vong do sởi tại BV Nhi T.Ư ở mức dưới 1%” - TS Lê Kiến Ngãi cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo BV Nhi T.Ư lo ngại, số lượng bệnh nhân nội trú đông, phòng bệnh có hạn, hạn chế phòng cách ly tiêu chuẩn. Bệnh nhân nội trú thường nặng, nhiều bệnh lý nền nặng, nguy cơ mắc sởi cao, thời gian nằm viện kéo dài, phân luồng khó. Bên cạnh đó, biểu hiện lâm sàng sởi hiện nay không điển hình, khó nhận định...

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, phân luồng, thu dung, điều trị kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các ca bệnh sởi nặng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Ngoài ra, các BV hạn chế số lượng người thăm bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở KCB và cộng đồng.

Hà Nội ghi nhận 1.247 ca mắc sởi

Hà Nội ghi nhận 1.247 ca mắc sởi

Huyện Gia Lâm: hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025

Huyện Gia Lâm: hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: sắp đưa vào hoạt động dự án bệnh viện hơn 1.000 giường bệnh tiêu chuẩn quốc tế

Nghệ An: sắp đưa vào hoạt động dự án bệnh viện hơn 1.000 giường bệnh tiêu chuẩn quốc tế

03 Apr, 11:20 AM

Kinhtedothi - Dự án bệnh viện Ung bướu Nghệ An giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt từ quỹ 2 năm 2025 này. Dự án với quy mô hơn 1.000 dường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, hứa hẹn mang lại những dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh khi điều trị tại đây. 

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ