Và người dân không còn lựa chọn nào khác là sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Vì vậy, số lượng xe máy tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn luôn tăng theo cấp số nhân gây áp lực lại cho đô thị. Do đó, đã đến lúc cần kiểm soát sở hữu và sử dụng xe máy, để kéo giảm tai nạn và UTGT. Xe máy quá nhiều, ý thức quá kém Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với túi tiền của đa số người dân Việt Nam và đã đóng góp không nhỏ vào sự nhanh chóng, tiện lợi trong đi lại. Tuy nhiên, mặt trái của xe máy là tác nhân gây ra số lượng lớn về TNGT, tình trạng UTGT, ô nhiễm môi trường. Thực trạng phát triển xe máy không kiểm soát được với 97% người dân ở TP di chuyển bằng xe cá nhân, trong khi phương tiện giao thông công cộng đã bị các phương tiện này “lấn át” là vấn đề đau đầu trong việc tổ chức tuyến, luồng giao thông riêng, khi đường sá chật hẹp. Theo thống kê, số lượng môtô, xe máy đăng ký trên toàn quốc là 42.818.527 chiếc. Tính theo số dân 90,5 triệu người, bình quân cứ 1.000 người dân sẽ sở hữu khoảng 460 xe máy. Thực tế, số lượng xe máy, ô tô tăng lên vượt quá quy hoạch, vượt ngưỡng năng lực của hạ tầng cơ sở chính là một tác nhân góp phần vào việc gây tắc đường tại nhiều TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, các vụ tai nạn xe máy được coi là mối lo ngại lớn nhất khi có hơn 80% số nạn nhân được điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội liên quan đến xe máy.
Tại Hà Nội, ít có sự lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng nên nhiều người phụ thuộc vào xe máy, trong khi ý thức của người đi xe gắn máy rất kém. Việc người dân đi ra ngoài lòng đường, đi men theo vỉa hè chật hẹp giữa những xe máy đỗ, người đi bộ và các quán ăn uống diễn ra thường xuyên. Số liệu của Bộ GTVT cho thấy, chỉ một nửa số người đi xe máy bật đèn “xi nhan” khi rẽ, trong khi 70% nói rằng họ không dùng phanh khi lượn qua những đoạn đường cong. Hiện nay, chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy nên nhiều phương tiện dù đã quá cũ, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được người dân lưu thông tràn lan trên phố. Đáng lo ngại là nhiều người đi môtô, xe gắn máy dù có bằng lái xe nhưng không nắm rõ Luật Giao thông đường bộ do mua giấy phép lái xe một cách dễ dàng. Nhìn ra thế giới, tại Đài Loan (Trung Quốc) dù đứng đầu thế giới về mật độ xe máy lưu thông trên đường nhưng tình trạng ùn tắc hầu như không trầm trọng do quy hoạch hạ tầng giao thông tốt, luôn có phần đường dành riêng cho xe máy. Thiết kế vỉa hè được tận dụng không gian cho việc đỗ xe mà vẫn có phần đường dành cho người đi bộ. Người dân Đài Loan có ý thức chấp hành luật ATGT rất cao. Do đó, đường phố vẫn ngăn nắp chứ không hỗn loạn. Hạn chế chứ không cấm Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây UTGT và TNGT, nhưng cần phải mạnh dạn thừa nhận một nguyên nhân quan trọng là do xe máy đã phát triển quá mức. Không ít giải pháp đã được đề ra, mỗi giải pháp đều có những ưu điểm riêng, thậm chí có những giải pháp có thể áp dụng ngay. Vấn đề là bước đi, giải pháp nào được chọn lựa cho phù hợp. Theo nhiều chuyên gia giao thông, để hạn chế xe máy, Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành nói chung cần nâng mức phí đăng ký xe nhằm tăng chi phí đầu tư ban đầu, làm nản lòng những người có ý định mua xe mới. Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia lại cho rằng: “Thống kê 5 năm qua, tỷ lệ tăng môtô, xe máy khoảng 7%, giảm một nửa so với giai đoạn 2006 - 2010. Không thể phủ nhận, xe gắn máy là phương tiện giao thông tiện ích, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam và thói quen sử dụng của người dân nếu chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra số lượng TNGT và tình trạng UTGT nghiêm trọng chủ yếu vẫn do người điều khiển môtô, xe gắn máy gây ra. Cá nhân tôi đồng tình với chủ trương kiểm soát sử dụng xe máy và nên có một chương trình cụ thể với lộ trình rõ ràng để triển khai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể chỉ đơn thuần dùng chính sách kinh tế để hạn chế người dân đăng ký xe máy vì mức thuế đăng ký xe không thể nào bằng giá trị xe mà lại ảnh hưởng đến đời sống của đa số người dân có thu nhập thấp. Tại rất nhiều tuyến đường ở Hà Nội, chỉ cần tăng thêm 10% số phương tiện thì tốc độ di chuyển trung bình của dòng xe sẽ giảm thêm 30%. Thực tế, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông có hạn, đất đai có hạn và nguồn lực tài chính có hạn. Do vậy, bên cạnh việc đầu tư mở rộng, quy hoạch hạ tầng cơ sở còn cần phải giảm nhu cầu lưu thông, thông qua việc chia sẻ nhu cầu đi lại, tức sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Cần tăng tốc các giải pháp tác động vào quá trình sử dụng xe máy của người dân, để hướng người dân tới việc sử dụng vận tải công cộng cho việc đi lại thường xuyên của họ. Theo đó, phải xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng, cụ thể là dồn sức đầu tư cho hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, đường sắt trên cao, đồng thời tái cấu trúc lại hệ thống xe buýt đủ tốt và văn minh để thu hút những người đi xe máy chuyển sang sử dụng phương tiện này. Việc hạn chế sử dụng xe máy sẽ đem lại những lợi ích rất rõ ràng là nâng cao được an toàn, cải thiện trật tự văn minh đô thị, cải thiện môi trường, giảm ùn tắc, thay đổi hình ảnh và sức cạnh tranh của đô thị với những phương thức vận tải hiện đại hơn.
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm luật trên đường Xã Đàn. Ảnh: Chiến Công |