Kiểm tra đối với lớp 1, 2 tại Hà Nội: Giải pháp căn cơ vẫn là trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại công văn số 4352 về hướng dẫn tổ chức đánh giá học sinh tiểu học do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành có nội dung “với học sinh lớp 1, lớp 2 - bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp” và lưu ý “thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”.

Họp phụ huynh để tạo sự đồng thuận
Với lớp 1, 2, Sở yêu cầu các trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại đơn vị để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện”- văn bản nêu rõ.
 Các trường đang xem xét việc có thể tổ chức kiểm tra học kỳ 1 với lớp 1, 2 theo hình thức trực tiếp hay không?
Theo đánh giá cấp độ dịch của UBND TP ngày 17/12, Hà Nội có 24 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; 4 huyện ở cấp độ 1 (Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ứng Hoà). Căn cứ đề xuất phương án cho học sinh lớp 1, 2 kiểm tra trực tiếp, ngoài cấp độ dịch còn có yếu tố quan trọng khác, đó là xin ý kiến phụ huynh.
Là trường ở khu vực cấp độ 1, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền- Hiệu trưởng trường Tiểu học Viên An, huyện Ứng Hòa chia sẻ: Sau hơn 3 tháng học trực tuyến qua Zoom, nhà trường rất mong muốn các học sinh lớp 1, 2 được đến trường kiểm tra trực tiếp bởi có các thầy cô giám sát chặt chẽ, kết quả sẽ phản ánh thực chất hơn; cũng là động lực để cả phụ huynh và học sinh cùng cố gắng, sát sao trong ôn tập. Theo cô Hiền, khối 1 của trường có 127 học sinh, khối 2 có 130 học sinh. Nếu được kiểm tra trực tiếp, nhà trường sẽ thực hiện chặt chẽ các bước như: Vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đo thân nhiệt tại nhà, tại trường, khai báo y tế, phân lớp, chia ca để ngồi giãn cách… Số giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ nhiều hơn; thời gian công sức bỏ ra cũng lớn nhưng nếu được phép, nhà trường sẽ cố gắng và sẵn sàng thực hiện. Trước mắt, trường vẫn xây dựng 2 phương án kiểm tra trực tuyến và trực tiếp. Nếu dịch bệnh ổn định, phụ huynh đồng thuận, phòng GD&ĐT cho phép, trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp với lớp 1, 2, dự kiến vào cuối tuần 17.
Huyện Phúc Thọ thuộc khu vực cấp độ 1 nhưng tại địa bàn xã Phúc Hòa mới xuất hiện ca F0. Chính bởi vậy, cô Đỗ Thị Thúy Minh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi đưa ra phương án kiểm tra đối với khối 1, 2, trường sẽ họp phụ huynh để xin ý kiến. Tiếp đó, căn cứ điều kiện thực tiễn cũng như các yếu tố dịch tễ khác, trường xây dựng phương án kiểm tra học kỳ 1. Việc kiểm tra được tổ chức vào đầu tuần 18 (đầu tháng 1/2022). Phía nhà trường sẽ cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục để có biện pháp ứng phó linh hoạt, an toàn.
Giải pháp căn cơ là trực tuyến
Dù thuộc vùng dịch cấp độ 1 nhưng theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến, việc kiểm tra học kỳ 1 theo hình thức trực tiếp với lớp 1, 2 là mạo hiểm và chứa nhiều nguy cơ không an toàn. “Học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến suốt nhiều tháng qua, vì vậy việc kiểm tra định kỳ cũng nên thực hiện trực tuyến. Thêm nữa, nền tảng trực tuyến rất thuận lợi, các trường đều có sự chuẩn bị, có kinh nghiệm thực tiễn từ năm học trước. Hiện phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức đã gửi văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT đến các trường; từ đó xem xét, thống nhất phương án chung”.
 Nhiều trường học và phụ huynh nghiêng về phương án kiểm tra trực tuyến để đảm bảo an toàn
Đồng tình với quan điểm trên, Hiệu trường trường Tiểu học Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) Chu Văn Kiểm cho rằng, giải pháp căn cơ đối với kiểm tra học kỳ 1 áp dụng cho cấp tiểu học nói chung, lớp 1, 2 nói riêng là trực tuyến bởi các em chưa được tiêm vaccine, nếu đến trường phải có phụ huynh đưa đi; việc tiếp xúc đông người ở giai đoạn dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Mặt khác, trường Tiểu học Hồng Kỳ nằm trên địa bàn có F0 nên tuy xây dựng 2 phương án nhưng nghiêng về phương án kiểm tra trực tuyến”.
“Nhiều ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội tăng cao, phổ biến trên 1.500 ca/ngày. Hiện biến thể Omicron rất phức tạp, không gây triệu chứng, thậm chí xét nghiệm còn có thể cho hiện tượng âm tính giả. Bởi vậy, tôi nghĩ giải pháp an toàn cho học sinh khối 1, 2 vẫn là trực tuyến. Không nên vì để “đánh giá đúng thực chất quá trình dạy- học” mà đưa học sinh, giáo viên, phụ huynh vào chuỗi phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ”- chị Hà Thị Vân Anh- phụ huynh có con học lớp 1 tại vùng xanh Ba Vì bày tỏ.
Được biết, ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Sở, các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã triển khai đến hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn để xem xét, xây dựng phương án và lộ trình, thời gian thực hiện.
Việc đánh giá định kỳ được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại các đơn vị; nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh. Ngoài lưu ý với lớp 1, 2, văn bản 4352 có nêu: Đối với các lớp 3, 4, 5: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể và diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại đơn vị vào thời điểm tổ chức đánh giá. Các trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc tại các thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học; riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán và môn Tiếng Việt theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần