Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm tra lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải: Duy trì để tạo nền nếp

Bài, ảnh: Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba tháng qua, liên ngành Thanh tra Sở GTVT - CSGT - Sở Y tế Hà Nội đã duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát đối với lái xe và DN kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn TP. Qua đó, nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc.

Từ ngày 1/4, liên ngành Thanh tra Sở GTVT - CSGT - Sở Y tế Hà Nội - Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập 2 Tổ công tác lưu động, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với lái xe và DN vận tải có hoạt động trên địa bàn TP.
Trong đó, Tổ Công tác số 1 do Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến chịu trách nhiệm kiểm tra lái xe tại các bến xe lớn như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình… và trên các tuyến đường trọng yếu như QL2, QL21B, QL5…
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, từ 1/4 - 5/7, Tổ Công tác đã tiến hành kiểm tra được 924 xe ô tô kinh doanh vận tải, với 1.149 lái xe; trong đó có 676 xe khách, 248 xe tải. Qua kiểm tra đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với các chất ma túy.
 Dừng xe kiểm tra đột xuất trên QL2, đoạn qua huyện Sóc Sơn.
Đặc biệt, một trường hợp là lái xe Phạm Thanh Bình (trú tại Hải Dương) đã có hành vi chống đối, lao xe vào đoàn kiểm tra khi bị phát hiện dùng ma túy. Nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông, chở quá tải, đi quá tốc độ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định cũng đã bị xử phạt nghiêm khắc.
Bên cạnh đó, liên ngành cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 11 DN vận tải có vi phạm về trật tự, ATGT số tiền 291.700.000 đồng.
Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin thêm, cùng với việc phối hợp liên ngành kiểm tra đột xuất tại các bến xe, tuyến đường, đơn vị cũng đang duy trì kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới trên toàn địa bàn TP.
Thời điểm kiểm tra chủ yếu vào khoảng thời gian sau giờ ăn trưa, ăn tối. Riêng với xe ô tô kinh doanh vận tải, đã có hàng nghìn trường hợp bị xử phạt do vi phạm giao thông trong đợt này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với lái xe, DN kinh doanh vận tải vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Đơn cử, việc kiểm tra tại các bến xe khách liên tỉnh, do số lượng phương tiện và người lái đến bến đón, trả khách trong một khung giờ thường rất lớn, không thể kiểm tra tất cả, chỉ lựa chọn ngẫu nhiên nên vẫn còn khả năng lọt sót vi phạm. Hoặc do việc kiểm tra cơ bản đều thực hiện trong giờ hành chính nên chưa kiểm tra triệt để được các phương tiện vận tải hành khách xuất bến, về bến vào ban đêm.
Đặc biệt, việc bố trí địa điểm để kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ của Đoàn kiểm tra gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở, trang thiết bị còn hạn chế.
“Nhiều lái xe nhận thức chưa cao, hiện tượng chống đối kiểm tra nồng độ cồn, ma túy diễn ra không ít, nhất là với các tài xế điều khiển xe tải nặng” - ông Lê Xuân Tiến bày tỏ.
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, việc duy trì kiểm tra lái xe, DN kinh doanh vận tải đang cho hiệu ứng rất tốt. Không chỉ người lái xe có ý thức chấp hành pháp luật hơn mà các DN cũng đang dần quan tâm đúng mức đến vấn đề quản lý, sử dụng nhân sự của mình.
Ông Lê Xuân Tiến cho hay: “Chúng tôi cũng đã đề nghị Sở Y tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng CSGT, Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội tiếp tục cử cán bộ, bố trí trang thiết bị, phối hợp duy trì các Tổ Công tác liên ngành trong thời gian tới”.