Mới đây, Tổ công tác liên ngành số 2 TP Hà Nội đã lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý... đối với lái xe lưu thông trên đường Lý Sơn (hướng đi cầu Đông Trù) thuộc địa bàn quận Long Biên. Lực lượng chức năng đã kiểm tra nhanh bằng phương pháp thử nước tiểu đối vói 21 tài xế, kết quả không có trường hợp nào dương tính với các chất gây nghiện. Cùng với đó, các tài xế dường như đã "quen" với việc kiểm tra đột xuất này nên rất hợp tác, không xuất hiện biểu hiện chống đối, vòng vo, trốn tránh.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng kiểm tra tải trọng xe đối với một số trường hợp nghi vấn nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là thời điểm trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây.Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Long Biên Nguyễn Quang Lượng cho biết, với đặc thù địa bàn quận có tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh phía Đông với phía Tây và Tây Bắc có lưu lượng phương tiện vận tải lớn, các lực lượng quận đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý thường xuyên để duy trì tốt trật tự an toàn giao thông. "Vì vậy, thời gian gần đây lái xe đã chấp hành tốt quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt tình trạng chở hàng quá khổ quá tải đã giảm hẳn so với thời gian trước" - ông Nguyễn Quang Lượng thông tin.Khi được hỏi, anh Đỗ Danh Sơn (32 tuổi, quê Bắc Giang) là tài xế ô tô tải của Công ty Phát triển hạ tầng Minh Tâm cho biết, rất tán thành với việc duy trì các Tổ liên ngành này để hoạt động giao thông đi vào nề nếp. "Công ty tôi cũng kiểm tra sức khoẻ thường xuyên tài xế, xét nghiệm ma tuý hàng tháng và sẽ phạt rất nặng, thậm chí cho nghỉ việc nếu phát hiện tài xế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông" - anh Đỗ Danh Sơn chia sẻ.Có thể thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan, đơn vị chức năng, việc nói không với rượu bia khi tham gia giao thông đang có bước chuyển biến theo hướng tích cực. Khi người điều khiển phương tiện có ýthức chấp hành yêu cầu kiểm tra, các DN vận tải cũng đã nâng cao nhận thức trong việc quản lý, không để lái xe tham gia giao thông trong tình trạng có nồng độ cồn hay chất gây nghiện.