Trong văn bản gửi đi, Bộ GTVT nhận định, thời gian qua có hiện tượng nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Theo Bộ GTVT, những loại hình xe này không dán phù hiệu theo quy định, nhất là đối với xe ô tô dưới 9 chỗ tại các đô thị lớn, xe tuyến cố định bỏ bến xin cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng vẫn hoạt động như tuyến cố định gây mất trật tự vận tải, thiếu bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Để chấn chỉnh và xử lý triệt để vấn nạn trên, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh tăng cường quan lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Riêng đối với 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khách Hòa và Quảng Ninh, Bộ GTVT đề nghị tập trung kiểm tra các đơn vị tham gia thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24, đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm hợp đồng điện tử thay hợp đồng bằng văn bản giấy.
Đặc biệt, Bộ GTVT lưu ý các Sở GTVT 5 địa phương này phải kiểm tra chặt chẽ việc gắn phù hiệu xe hợp đồng quy định tại Điều 54 Thông tư số 63/2014 của Bộ GTVT, kiểm tra việc dán tem logo của đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối vận tải khách theo hợp đồng.
Ngoài ra, các Sở GTVT 5 địa phương trên có trách nhiệm trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các xe vi phạm hành trình đối với các xe đi vào đường cấm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ và tổng hợp kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tổng hợp kết quả thí điểm đến hết ngày 31/5/2019.
Bộ GTVT khẳng định, cần làm rõ về số lượng đơn vị phần mềm, đơn vị vận tải tham gia thí điểm, số lượng phương tiện, đánh giá ưu điểm, hạn chế, đề xuất kiến nghị. Các Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra toàn diện đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 1/7/2019.