Kiến nghị giảm 2% lãi suất cho vay bất động sản: Chỉ có lợi cho giới đầu cơ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có rất nhiều ý kiến xung quanh kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) về việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay 2% một năm với DN địa ốc và người mua nhà.

Giảm lãi suất, ai được lợi? 

Đây là một trong những nội dung trong bản kiến nghị các phương án hỗ trợ DN địa ốc và người mua nhà vượt qua khó khăn do Covid-19 mà HoREA vừa trình Bộ Xây dựng.

Ngoài giảm lãi suất, HoREA cũng đề nghị các NHTM xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn; Đề nghị các NHTM xem xét, tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN bất động sản (BĐS) được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. 

Các NHTM xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

 Ảnh minh họa

Trước đề xuất trên, rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn đã phản đối rằng: “Không nên giảm lãi vay cho các DN, nhà đầu tư kinh doanh BĐS, họ làm cho nhiều người không mua được nhà giá rẻ, chính họ đầu cơ để BĐS tăng giá”; rằng “Giá nhà hiện tại đã quá cao, lãi suất giảm chỉ cho nhà đầu cơ làm tăng thêm giá nhà mà thôi”…

Trong khi đó, với những người dân có nhu cầu mua nhà ở lại mong được giảm lãi suất. Chị Trần Kim Thanh (ở Hà Đông) đang vay 2 tỷ đồng mua nhà, lãi suất 8,4% và hy vọng được giảm còn 6,4%. “Dịch bệnh khiến gia đình tôi đã kiệt sức, mất việc làm, không còn tiền nữa, rất cần giảm lãi suất vay mua nhà cá nhân trong vài tháng. Và mong không bị chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn”- chị Thanh bày tỏ.

Còn theo ý kiến của anh Lê Việt Thắng (ở Đống Đa): Mặc dù BĐS đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung nhưng trong giai đoạn này ưu tiên cho các công ty BĐS là không hợp lý. “Thiết nghĩ nên có chính sách lãi suất phân biệt giữa người mua nhà để ở và người đầu tư giống như các nước phát triển. Chỉ nên áp dụng với căn nhà duy nhất, còn dạng đầu cơ thì cứ theo hợp đồng mà tiến hành”- anh Thắng nói.

Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiến nghị của HoREA là hợp lý, hợp tình, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang lao đao về dịch bệnh hiện nay. Nhưng nếu ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho lĩnh vực BĐS mà không giảm cho các lĩnh vực khác thì sẽ dẫn đến việc mất cân bằng cho nền kinh tế - xã hội. Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phía ngân hàng cần tìm mọi cách để hỗ trợ, giảm lãi suất cho người mua nhà lần đầu và xem xét giảm ít hơn đối với những khách hàng đầu tư.

Gạn lọc hỗ trợ nhu cầu thật

Hiện tại, lãi suất cho vay ưu đãi với lĩnh vực BĐS được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5 - 8,5%/năm tùy kỳ hạn và hình thức thanh toán. Có ngân hàng cho phép vay tối đa 90% phương án vay vốn với thời gian vay 20 năm.

Từ giữa tháng 7, nhiều ngân hàng cũng ra thông báo giảm lãi suất cho vay mua nhà, với mức giảm trung bình khoảng 1%, nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do đại dịch.

Theo các chuyên gia, mức lãi suất mới được các ngân hàng điều chỉnh cho vay BĐS đã thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mức lãi suất này khá phù hợp với bối cảnh thị trường BĐS hiện nay. “Lãi suất chỉ nên giảm nữa khi thị trường này phải được minh bạch và được điều tiết tốt hơn. Trong khi thực tế hiện nay, thị trường BĐS vẫn còn thiếu minh bạch, vẫn còn hiện tượng làm giá đẩy giá, tiếp cận thông tin còn khó khăn… Khi thị trường vẫn trong tình trạng như vậy, nếu tiếp tục giảm lãi suất sâu hơn nữa, nguy cơ xảy ra “bong bóng” BĐS là khá cao”.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021 của NHNN, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 672.224 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt 166.561 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 25%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 99.547 tỷ đồng (chiếm 14,8%); Dư nợ với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 53.164 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 7,9%); dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt 190.756 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 28,3%)... NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng vào BĐS, để kiểm soát rủi ro.

Theo TS Cấn Văn Lực, ngành BĐS 2021 dự báo tăng trưởng, 6 - 7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%. Thị trường BĐS vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. ''Việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà cũng là chính sách phù hợp, nhưng phải gạn lọc để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ'', ông Cấn Văn Lực nói. Còn về việc DN BĐS tiếp cận các khoản vay mới, theo TS Cấn Văn Lực, quy định hiện hành, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15 - 20% vốn trên tổng mức đầu tư dự án, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Do vậy, DN BĐS muốn có vốn trung và dài hạn buộc phải thu hút từ những kênh khác nhiều hơn.