Theo đó, đề xuất được Sở GTVT gửi UBND TP Hồ Chí Minh nhằm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành thống nhất phương án.
Cụ thể, Sở GTVT cho biết theo quy hoạch, Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120Km/h, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Các tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mặt cắt ngang 6 làn cơ giới và 2 làn thô sơ.
Cả tuyến chính và tuyến nối được dự kiến mở rộng quy mô 8 làn xe giai đoạn sau năm 2020.
Hiện giai đoạn 1, cao tốc này đã được đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe.
Trong giai đoạn 1, cơ quan chức năng cũng đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng sau này.
Để sớm hoàn thành hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc, vành đai đang triển khai, việc sớm đầu tư mở rộng Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là hết sức cần thiết.
Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp cùng các Bộ, ngành và các địa phương liên quan để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao cho một địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 5 cao tốc kết nối cùng hai đường vành đai 3 và 4. Tuy nhiên, đến nay khu vực TP mới hai Cao tốc là TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cùng một đoạn Vành đai 3 với tổng chiều dài 131 km đưa vào khai thác. Tuy nhiên, thường xuyên ùn tắc giao thông đặc biệt là các dịp Lễ, Tết, cuối tuần, không đảm bảo cho việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.