Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết đấu tranh với hành động gây hấn của Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gây hấn, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam sẽ càng lộ rõ bản chất "cá lớn nuốt cá bé", làm mất niềm tin của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Kiên quyết đấu tranh với hành động gây hấn của Trung Quốc - Ảnh 1
Những ứng xử của các lực lượng chức năng nước ta là phù hợp, sẽ được thế giới ủng hộ. Đó là ý kiến của Thiếu tướng - GS Bùi Phan Kỳ (nguyên Trưởng ban nghiên cứu đường lối học thức quân sự Viện Chiến lược - Bộ Quốc phòng) tại cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh những vi phạm của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam.

Hành động ngang ngược không thể biện minh

Ông thấy thế nào về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan và tấn công các lực lượng chức năng ngay trên vùng biển của Việt Nam?

- Từ lâu nay, việc Trung Quốc nhiều lần xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đã vấp phải sự lên án kịch liệt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu HD-981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta đều biết với vị trí 15o29'58" vĩ Bắc - 111o12'06" kinh Đông, phải khẳng định rõ ràng rằng hành động trái phép của Trung Quốc ở địa điểm cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Vì vậy, không có một điều luật, một công ước quốc tế nào mà phía Trung Quốc có thể viện dẫn để ngụy biện cho hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam một cách trắng trợn như đang diễn ra. Và cũng khó có thể dùng ngôn từ gì để biện minh cho việc nhiều tàu trong số khoảng 80 tàu gồm cả tàu quân sự, hộ vệ tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh của Trung Quốc được cử đến bảo vệ giàn khoan HD-981 đã dùng vòi rồng uy hiếp và đâm thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực. 

Theo ông, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào lãnh hải nước ta lần này nhằm mục đích gì?

- Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố ý chạm trán với Việt Nam và các nước láng giềng khác trong khu vực, liên quan đến vấn đề khai thác dầu khí. Nhưng tôi cho rằng, động thái mới nhất không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông. HD-981 đang được Trung Quốc sử dụng như một "lãnh thổ quốc gia di động", để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó siết chặt gọng kìm khống chế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giàn khoan HD - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Giàn khoan HD - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.
 
Biển Đông luôn được coi là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vùng biển có trữ lượng tài nguyên dầu khí phong phú, luôn nằm trong sự thèm muốn của các quốc gia "khát dầu" như Trung Quốc. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên. Tuy nhiên, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tin rằng có thể có gấp 10 lần trữ lượng dầu khí như thế tại Biển Đông. Trung Quốc hẳn nhiên là thèm khát nguồn nhiên liệu này. Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của Trung Quốc với các mối quan hệ trong khu vực và những thiệt hại mà nó mang lại sẽ khiến Bắc Kinh khó có thể đạt được  mục tiêu trên.

Cùng với lợi ích về dầu khí, tôi cho rằng, vụ giàn khoan HD-981 có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm 4 nước châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm, Mỹ khẳng định sẽ ủng hộ Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Các cam kết của Tổng thống Obama với Nhật Bản và hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Philippines đã thách thức lợi ích chiến lược trên biển của Trung Quốc. Chuyến đi của Obama dù không đến Trung Quốc, nhưng đã gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh rằng nên ngừng mở mặt trận trên Thái Bình Dương và hãy cư xử có trách nhiệm hơn đối với Hòa bình thế giới.

Trung Quốc luôn khẳng định đường lối "trỗi dậy hòa bình", nhưng lại đang dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại châu Á. Và hàng loạt động thái mới nhất của Bắc Kinh chỉ khiến các quốc gia láng giềng ngày càng lo ngại về đường lối ngoại giao ngày càng cứng rắn của quốc gia này. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ thăm Nhật, Trung Quốc cho biết sẽ diễn tập gần quần đảo Điếu Ngư với Nga nhằm khoét sâu, tận dụng mâu thuẫn giữa Mỹ - Nga để "ngư ông đắc lợi".

Ứng xử của Việt Nam là phù hợp, chính xác

Trước hành động của Trung Quốc, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Ông đánh giá thế nào với những ứng xử của các cơ quan chức năng nước ta trước vụ việc này?

- Đúng là có người cho rằng ta đối xử lại Trung Quốc hơi yếu ớt, nhưng tôi thấy rằng những phản ứng vừa qua rất phù hợp, với các bước đi chặt chẽ. Đó là việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia gửi thư phản đối Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển Việt Nam; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì nói rõ đây là hành động bất hợp pháp, yêu cầu phải rút hết các lực lượng ra khỏi Việt Nam và phải hành động bằng con đường hòa bình; Người phát ngôn chính thức công bố phản đối cho thế giới biết. Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc; đại diện Bộ Ngoại giao gửi Công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối. Lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư cũng có những hành động rất kịp thời, kiên quyết không cho Trung Quốc hạ giàn khoan, đồng thời công bố rộng rãi những hành động gây hấn của Trung Quốc. Chúng ta cũng nói rõ sự kiềm chế nào cũng có giới hạn, nếu tiếp tục sẽ có hành động đáp trả thích đáng. Điều này theo tôi rất phù hợp, chính xác và người dân cũng không nên thể hiện việc yêu nước bằng những hành động quá khích, vì điều này ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Những bước đi của các cơ quan chức năng Việt Nam vừa qua đã gây hiệu ứng lớn đối với quốc tế, nhiều bất lợi cho Trung Quốc. Nhiều tờ báo uy tín, nhiều chính khách và học giả lớn của các nước, thậm chí ở chính Trung Quốc đã lên tiếng cực lực phản đối những hành vi phi pháp, không chấp nhận được của Trung Quốc. Chính vì những phản ứng gay gắt này của dư luận thế giới mà Trung Quốc dù vẫn đang cố gắng lấp liếm, bao biện nhưng cũng đã phải xuống thang kêu gọi đàm phán, dù vẫn "chày cối" yêu cầu Việt Nam rút lực lượng ra khỏi vùng biển này.

Ông có thể đưa ra bình luận cụ thể gì về những hành động của Trung Quốc thời gian qua?

- "Khôn nghề cờ bạc là không dại", câu nói ấy của ông cha ta rất đúng với những hành động của Trung Quốc. Họ tưởng rằng đây là một nước đi khôn, nhưng ai cũng hiểu một đất nước thật sự vững mạnh, uy tín lâu dài không phải thể hiện bằng sức mạnh quân sự mà phải thuyết phục thế giới bằng văn hóa và lòng tin. Nhưng, Trung Quốc đang ngày càng mất niềm tin với quốc tế. Người ta nhìn Trung Quốc là một anh vừa thâm độc, vừa ăn cắp, vừa la làng, phải đề cao cảnh giác. Vì vậy, về lâu dài việc này sẽ có hại cho vị thế của Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, cách ứng xử nhún nhường nhưng cũng không hề thiếu kiên quyết của chúng ta sẽ giúp thu phục nhân tâm trên thế giới. Đến mức nào đó, Việt Nam có những hành động quyết liệt và chắc chắn sẽ được dư luận quốc tế ủng hộ.

Theo ông, liệu Trung Quốc có dừng lại ở đây để coi như "liều thuốc thử" đối với Việt Nam và dư luận thế giới? Nếu tiếp tục các hành động gây hấn, chúng ta sẽ phải làm gì?

- Trung Quốc có nhiều "bài" lắm. Tôi nghĩ sắp tới Trung Quốc sẽ không chìa cái mặt võ biền ra nữa mà coi đây là việc đã rồi, coi như đã đánh dấu được chủ quyền tại khu vực trên. Nếu tiếp tục các hành động gây hấn, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt bằng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền đất nước. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan cũng diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này của ASEAN, cũng bao gồm Việt Nam và Philippines, vốn có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, các nước ASEAN phải đồng tâm hơn để phản đối, đấu tranh lại những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!