Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến tạo Việt Nam giàu mạnh!

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 năm nay gắn với một sự kiện lịch sử đặc biệt, đó là 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và cũng là tròn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Những lời cuối cùng trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” đã và đang dần thành hiện thực.
74 năm sau ngày độc lập, 50 năm thực hiện di nguyện của Người, dẫu đầy gập ghềnh, chông gai nhưng tinh thần quật khởi và giá trị kinh nghiệm lịch sử của Cách mạng tháng Tám luôn là nguồn lực để viết tiếp những trang sử vẻ vang. Đồng thời, tinh thần của Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng như những lời dặn của Bác trong Di chúc luôn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, thấm sâu vào nhận thức của mỗi người, tạo thành hành động mạnh mẽ.
Việt Nam bước ra từ chiến tranh, những năm đầu xây dựng lại đất nước chỉ bắt đầu với mong ước nhỏ là "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", đã đi lên mạnh mẽ. Đặc biệt qua hơn 30 năm đổi mới, tất cả các “mặt trận” kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… đều phát triển với những kết quả tốt đẹp. Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ 100 USD trước đổi mới, đến năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Với những bước đi đầy đĩnh đạc để hội nhập với thế giới, đã hút được những xung lực tích cực để giữ vững, bảo vệ chủ quyền và phát triển.
Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục những triển vọng tốt đẹp. Chúng ta tự hào bởi Việt Nam hiện nay đã bước vào “sân chơi” lớn, là thành viên chính thức của APEC, ASEM và WTO…, Việt Nam còn đã và đang đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề quan tâm chung của quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như: Liên Hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Đồng thời, là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, thể thao lớn của khu vực và thế giới…
Có thể nói rằng, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, dù đời sống xã hội còn nhiều khó khăn nhưng cả nước đang vững vàng, đồng tâm hiệp lực theo đuổi con đường phát triển với một tâm thế hội nhập sâu và rộng. Chúng ta đang quyết tâm hiện thực khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, được bạn bè quốc tế tôn trọng và ghi nhận.
Những thành quả hôm nay chính là hành trang cho dân tộc vững bước đi lên, tâm nguyện của Bác về “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” chắc chắn không chỉ dừng lại ở những gì đã và đang có.
Hiện còn nhiều vấn đề Bác đã chỉ ra vẫn đang thực hiện, đang nỗ lực để đối mặt, vượt qua. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng Bác nhắc đến đầu tiên trong Di chúc là “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng” hiện dù đang làm mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn không ít cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng, gây mất niềm tin trong Nhân dân.
Rồi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; những thách thức khi mở cửa, hội nhập… đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân nỗ lực vượt qua. Như Di chúc của Bác đã căn dặn là phải chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng - không chỉ là vật chất mà quan trọng là tổ chức, con người, tư tưởng - để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.
“Như những cánh chim không mỏi”, hướng về ngày Quốc khánh, nhớ lời Bác dặn, mỗi người chúng ta đều mong muốn rằng, những niềm vui, niềm tự hào hôm nay sẽ là động lực để cả nước nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tận tâm tận lực, nâng cao ý chí, giữ vững thành quả cách mạng; tiếp tục thực hiện lời thề độc lập và những dặn dò của Bác trong Di chúc.
Việt Nam nhất định sẽ giàu mạnh, hùng cường nhờ sức mạnh cộng hưởng từ việc Đảng tự chỉnh đốn, làm sạch; từ việc người dân được sống tự do, hạnh phúc, quyền dân chủ được phát huy.