Trong đó huyện đã, đang tập trung kiến tạo các không gian mở gắn với hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh, thể dục thể thao...
Tạo điểm nhấn khác biệt
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND TP và các sở, ban ngành, huyện Thanh Trì đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, cũng như chủ động thực hiện các giải pháp với tinh thần quyết tâm phát triển huyện thành quận trong thời gian sớm nhất.
Để hiện thực hóa mục tiêu này huyện đã đầu tư mới 34 khu cây xanh công cộng, đóng góp vào việc gia tăng diện tích đất cây xanh công cộng trên địa bàn lên khoảng 27,4ha, tương đương tăng thêm 1m2/người. Ngoài việc đầu tư các trung tâm văn hóa thể thao tại các xã, thị trấn để vừa thực hiện tiêu chí “sân luyện tập”, vừa thực hiện tiêu chí “cây xanh công cộng”, huyện đã rà soát các ô đất công cộng phù hợp quy hoạch để lập dự án đầu tư xây dựng các khu cây xanh công cộng trong khu dân cư.
Ngoài ra, Thanh Trì cũng đang tập trung đầu tư xây dựng dự án hạ tầng cây xanh công cộng; kè các ao hồ trên địa bàn; triển khai dự án Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Cụ thể, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2015 đã định hướng bố trí Khu Công viên văn hóa tưởng niệm Chu Văn An với diện tích khoảng 94,05ha. Trong đó, một phần Khu công viên (khoảng 54.96ha) đã được UBND TP phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã được đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, địa phương đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục tượng đài, nhà tưởng niệm, nhà khách, tiểu cảnh, phù điêu và các công trình kiến trúc khác. Phần diện tích đất còn lại của Khu công viên, UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết nhằm khớp nối đồng bộ khu vực công viên cây xanh theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 đã được phê duyệt...
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, bám sát yêu cầu của quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung, khu vực vùng đệm xanh của Thanh Trì sẽ hướng đến việc giảm mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước... Từ đó góp phần tạo không gian điểm nhấn quan trọng trong cấu trúc đô thị. Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng mới phải hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có ý nghĩa thời đại. Trong đó, ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, giải trí, các công trình có quy mô nhằm tạo sự bề thế cho không gian tổng thể đô thị.
Động lực phát triển hạ tầng xanh
Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì cho biết, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, phân khu đô thị GS quy hoạch trên một số quận, huyện của Hà Nội, trong đó có huyện Thanh Trì nằm trong khu vực phát triển đô thị mở rộng, có vai trò quan trọng đối với TP trung tâm, tạo lập vùng chuyển tiếp và vùng đệm giữa khu vực nội đô và vùng phát triển mới phía Đông đường Vành đai 4 và là không gian xanh xen kẽ các phân khu đô thị, cân bằng sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.
Đối với Thanh Trì, đồ án được thực hiện tại các xã, thị trấn gồm Văn Điển, Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh và Đại Áng. Đây là đồ án lớn được xác định để tạo lập vùng không gian xanh sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng đô thị phát triển mở rộng, cũng như bảo đảm tính chất, chức năng của vành đai xanh, nêm xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Cụ thể, GS5 huyện Thanh Trì chủ yếu là các khu dân cư, khu chức năng đô thị hiện có, vì vậy khu vực này bố trí hệ thống cây xanh theo tuyến dải dọc sông Nhuệ, sông Tô Lịch để kết nối các không gian cây xanh tập trung và bảo vệ cảnh quan hai bên sông. Tiếp đó GS11 thuộc huyện Thanh Trì là khu vực có quy mô diện tích đất tương đối lớn với địa hình thấp trũng, thường bị ngập nước thích hợp bố trí hình thức công viên sinh thái gắn với các hoạt động cắm trại, dã ngoại, hoạt động thể thao nhẹ trên mặt nước và sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn và phương pháp canh tác hiện đại...
Thêm vào đó một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của huyện Thanh Trì là các hạ tầng đô thị khác. Trong đó, dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 là công trình quan trọng, tạo nên trục giao thông kết nối giữa các khu đô thị mới với khu dân cư hiện hữu.
Theo quy hoạch, tuyến đường này sẽ đi qua địa phận 10 xã/phường bao gồm (3 phường) của quận Hà Đông và (7 xã) của huyện Thanh Trì, với tổng chiều dài khoảng 4,2km, hứa hẹn tạo động lực lớn cho sự phát triển thương mại và dịch vụ trong khu vực. Ngoài ra, theo quy hoạch phân khu đô thị S4 và GS, một cầu vượt sông Nhuệ dự kiến được xây dựng trên tuyến đường kết nối từ khu đô thị Cầu Bươu, đường 70 (đường Cầu Bươu) với Vành đai 3,5. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện khả năng kết nối giữa các xã trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương.
Về đường sắt, tuyến metro số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên là một dự án quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông đô thị của huyện Thanh Trì. Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2004, sau đó được Bộ GTVT phê duyệt giai đoạn I vào năm 2008 và điều chỉnh dự án năm 2017, bao gồm khu tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Cũng theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là điểm đầu của các tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, có đầy đủ các chức năng hệ thống nhà ga đường sắt, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và khu depot của đường sắt đô thị...
Đặc biệt, với địa hình thấp trũng, cấu trúc không gian xanh đô thị đi kèm với mặt nước tạo nên tuyến xanh liên kết các công viên, vườn hoa, khu di tích, các khu vực phát triển đô thị khác... Quan trọng hơn với các quy hoạch phân khu đô thị đã được duyệt sẽ là tiền đề để huyện Thanh Trì cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng nhằm bổ xung, hoàn thiện hệ thống công trình công cộng, văn hóa, giáo dục, công viên cây xanh. Xây dựng đô thị văn minh hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Xác định phát triển huyện thành quận là nhiệm vụ trọng tâm cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt; đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Từ đó nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp quy hoạch gắn với phát triển hạ tầng đô thị theo hướng tạo điểm nhấn cho vùng đệm xanh.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong