Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến thức lý luận chính trị là tiêu chí đầu ra

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lời đề nghị được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm giảng dạy học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 23/5.

Sau 5 năm thực hiện giảng dạy các môn lý luận chính trị dùng cho SV các trường ĐH, CĐ khối không chuyên ngành Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các trường đánh giá: Chương trình, giáo trình do Bộ GD&ĐT ban hành được xây dựng một cách thận trọng, công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học, tính chính trị. Nội dung chương trình đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đổi mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quán triệt đường lối của Đảng về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận. Giáo trình được viết theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung khoa học trong các lĩnh vực tri thức của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Kiến thức lý luận chính trị là tiêu chí đầu ra - Ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, nội dung chương trình vẫn nặng so với thời lượng 10 tín chỉ. Nội dung còn nặng về tính kinh điển; liên hệ, vận dụng thực tiễn còn có những hạn chế nhất định; một số nội dung trong giáo trình vẫn có sự trùng lặp. Chương trình các môn lý luận chính trị chưa có sự liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo con người, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu để đưa kiến thức các môn học lý luận chính trị trở thành một tiêu chí đầu ra cho SV, song hành cùng với tiêu chí trình độ ngoại ngữ. Dung lượng giảng dạy các môn học này nên giảm bớt từ 10 tín chỉ xuống còn 6 tín chỉ; tăng cường đưa kiến thức thực tiễn vào giảng dạy bằng việc tổ chức cho SV đi tham quan bảo tàng…; cập nhật các thông tin mới, hiện đại phù hợp với từng cấp học. Cùng với đó là tăng cường tính tự học của SV bằng việc tổ chức các buổi thảo luận, giao bài tập lớn, thi Olympic để kiến thức các em học được trở thành kiến thức của mình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tổng kết, với các góp ý này, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện về giáo trình và kết cấu bên trong các môn lý luận chính trị để đưa việc giảng dạy tiến lên bước mới. Lý luận chính trị sẽ là các môn học đầu tiên trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.