Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với vai trò là cơ quan quản lý 9 lĩnh vực hết sức quan trọng bao gồm đất đai; địa chất khoáng sản; tài nguyên nước; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ; viễn thám.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, 20 năm qua, ngành tài nguyên và môi trường đã kế thừa thành quả của các thế hệ lãnh đạo, qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Với yêu cầu thực tiễn cần triển khai trong thời kỳ phát triển mới, đồng thời để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng đề nghị toàn ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TN&MT.
Phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể, công tác triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực TN&MT.
Kiên quyết, kiên trì với quan điểm và hành động không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, cần nghiên cứu thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...
Song song là phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư.
Bộ TN&MT cần bám sát thực tiễn để tham mưu cho các cấp rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch. Trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, cản trở trong quản lý sử dụng đất đai.
Về chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông. Tiếp tục cải cách triệt để các thủ tục hành chính.
Cùng đó là đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản có nền kinh tế biển xanh, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả vào đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Mặt khác, thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng "0" vào năm 2050. Đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình. Chuẩn bị nội lực để từng bước chủ động thực hiện những cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách "không hối tiếc" trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, huy động nguồn lực bằng các hình thức hợp tác công tư.