Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến trúc - ngành học nhiều tiềm năng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong mọi thời đại. Ở bất cứ đất nước nào, các công trình như nhà ở, bệnh viện, trường học,... đều là nền tảng cho sự phát triển của hạ tầng xã hội.

Cơ hội việc làm lớn cùng những đặc thù riêng khiến ngành kiến trúc luôn thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Sự giao thoa của ngành kiến trúc

Ngành kiến trúc là ngành khá đặc thù và có sự giao thoa giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật. Kiến trúc tập trung vào việc tổ chức, sắp xếp không gian và lập hồ sơ thiết kế các công trình. Ngành học này đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy logic, khả năng thẩm mỹ và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng liên tục về nhu cầu thẩm mỹ của con người đối với không gian sống, làm việc và vui chơi giải trí.

Trước tình hình đó, cùng với những lợi thế đầy tiềm năng, ngành kiến trúc đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn của thời đại mới. Từ việc thiết kế các không gian, mô hình xây dựng cho đến nghiên cứu bố trí và sắp đặt không gian một cách hài hòa đều đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia am tường về kiến trúc.

Theo học ngành kiến trúc, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về kiến trúc mỹ thuật như: công tác quy hoạch - thiết kế đô thị, khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, phương pháp luận sáng tạo, phương pháp sáng tác kiến trúc,…

Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội trong giờ học thực tế. Ảnh: Lưu Quang Trần
Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội trong giờ học thực tế. Ảnh: Lưu Quang Trần

Ngoài ra, tại những trường đại học đào tạo ngành kiến trúc có uy tín, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thực hành thông qua sử dụng các công cụ, phần mềm chuyên dụng để thực hiện ý tưởng, kỹ năng năm bắt tâm lý khách hàng... để vừa làm tốt công việc chính của một kiến trúc sư là tư vấn thiết kế, vừa có thể tự tin thuyết phục khách hàng.

Thống kê của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành kiến trúc luôn cao. Suốt từ giai đoạn 2013 - 2015 kéo dài đến 2020 - 2025, kiến trúc được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP Hồ Chí Minh với khoảng 10.800 người/năm. Theo học ngành kiến trúc, sinh viên sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm với nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc, ứng viên có thể đảm nhận nhiều vai trò vị trí khác nhau như: kiến trúc sư thiết kế, thi công, giám sát các công trình kiến trúc dân dụng, công nghiệp; quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, cao ốc, công trình đô thị và nông thôn tại các công ty tư vấn kiến trúc, các viện trực thuộc bộ, ngành, các tổng công ty lớn của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa,…; giảng viên tại các trường cao đẳng, đại học, học viện, trung tâm dạy nghề.

Bên cạnh đó, làm việc trong ngành kiến trúc đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để tự khởi nghiệp với vai trò chủ đầu tư, thiết kế, thi công các công trình kiến trúc.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ngành kiến trúc luôn ở mức rất cao. Thống kê của Trường Đại học (ĐH) Kiến trúc Hà Nội cho thấy, có từ 97 - 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm.

So với các ngành nghề khác, lương của kiến trúc sư được đánh giá ở mức tốt. Trung bình, lương của kiến trúc sư mới ra trường có thể dao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng nhưng mức lương này sẽ tăng cao sau khi có vài năm kinh nghiệm.

Cần kỹ năng gì?

Kiến trúc là một trong những ngành học giúp khẳng định chính bản thân một cách dễ dàng. Các kiến trúc sư có thể sáng tạo ra những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Để trở thành một sinh viên ngành kiến trúc, ngoài kiến thức các môn học đơn thuần (toán, lý, Anh…), ứng viên còn cần có năng khiếu về vẽ. Vẽ kỹ thuật hoặc môn năng khiếu luôn là phần thi bắt buộc đối với học sinh định hướng thi kiến trúc.

Tiếp đó, muốn trở thành một kiến trúc sư, mỗi sinh viên phải trang bị cho mình hành trang kiến thức khổng lồ từ toán, lý, kỹ thuật, vật liệu cho đến kiến thức về sinh học, môi trường, văn hóa, xã hội hay các công cụ đồ họa khác nhau. Và đó chính là nguồn vốn, là hành trang để mỗi người trở nên hiểu biết và thông thái hơn.

Theo học kiến trúc, sinh viên sẽ được học những môn học từ cơ bản đến nâng cao và còn có các chương trình chuyên đề đặc biệt giúp sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng, cảm nhận nghệ thuật về cái đẹp, tư duy phản biện và sáng tác công trình kiến trúc riêng, như: cơ sở diễn họa kiến trúc; kiến trúc nhập môn; hình học họa hình; bố cục tạo hình; mỹ thuật; nguyên lý cơ bản trong thiết kế nhà ở - công cộng; khảo cứu các công trình kiến trúc cổ; cấu tạo kiến trúc; kỹ thuật thi công.

Ngoài ra, sinh viên kiến trúc sẽ được làm quen với nhiều dạng mô hình, cách thức làm mô hình xuyên suốt tất cả những bài đồ án và được thỏa sức sáng tạo cùng nhiều vật liệu tùy ý để thể hiện ý tưởng riêng của mình. Kiến trúc là một nghề đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ thuật và nghệ thuật.

Do đó, người học kiến trúc có khả năng tạo ra ý tưởng cho các dự án kiến trúc và thực hiện chúng nên phải có hiểu biết vững chắc về vật liệu xây dựng, an toàn và môi trường; kỹ năng sáng tạo, tư duy logic và tổ chức tốt để tạo ra những công trình đẹp và giá trị chất lượng tốt nhất.

Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành kiến trúc, phân bố khắp các vùng từ miền Bắc, miền Trung cho tới miền Nam, như: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng; ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh… Để tự tin nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn này, song song với kiến thức chuyên ngành, việc trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm là một yêu cầu không thể thiếu đối với sinh viên ngành kiến trúc.

Theo học ngành kiến trúc, sinh viên cần chịu khó trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm,… để có thể tự tin làm việc và khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.